“Hàng ngộp” có lẽ là cụm từ đang xuất hiện nhiều nhất trên thị trường bất động sản hiện nay. Trên các phương tiện truyền thông, ở các trang tin rao bán hay các bảng tin của môi giới bất động sản, sản phẩm ngộp liên tục xuất hiện. Nhiều người đặt câu hỏi, giá bất động sản đang rớt thê thảm là có thực?
Mảnh đất hơn 50m2 tại Q.9 (cũ, nay là Tp.Thủ Đức, Tp.HCM) đang rao bán mức giá 2.4 tỉ đồng. Mức này thấp hơn khoảng 450 triệu đồng so với các mảnh cùng vị trí. Liên hệ môi giới được biết, chủ nhà đang đuối tài chính (mảnh đất có vay ngân hàng) nên rao bán giảm sâu để mong ra được hàng, tất toán khoản nợ.
Mức giảm này chưa thấm vào đâu so với căn nhà phố liên kế tại Tp.Thủ Đức đang được chủ nhà rao bán giảm 1 tỉ đồng/căn so với giá thị trường. Tuy vậy, nếu so với giá mua vào cuối năm 2018 thì căn nhà này vẫn chênh gần 2 tỉ đồng.
Cũng giảm 300 triệu đồng/nền so với giá mua vào nhưng chị Minh rao bán mãi chưa ai mua miếng đất 60m2 của mình tại huyện Bình Chánh (Tp.HCM). Do cần tiền trang trải các khoản vay bên ngoài, chị chấp nhận giảm giá để thu lại dòng tiền.
Tại bất động sản tỉnh, nguồn hàng giảm giá cũng xuất hiện ngày càng nhiều. Các nền đất giá từ 1-3 tỉ đồng đang hạ giá từ 100-300 triệu đồng. Khá nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ muốn ra hàng để thu vốn, trang trải cuộc sống trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Tuy nhiên, thanh khoản ở giai đoạn này không dễ.
Ghi nhận cho thấy, nguồn hàng người bán gửi lại khá đa dạng và tăng cao sau Tết. Một số sản phẩm giảm từ 100-500 triệu đồng. Mức giảm này đã tăng so với thời điểm giữa năm 2022. Tuy nhiên, với nhiều trường hợp đây chỉ là mức giảm kì vọng lợi nhuận, không phải hàng giảm dưới giá vốn như thông tin môi giới rao bán.
Điều đáng nói, mỗi thông tin đăng bán từ môi giới đều xuất hiện cụm từ “hàng ngộp” hoặc “giảm giá sâu, bán gấp”… tuy vậy, tìm hiểu được biết, không phải sản phẩm nào cũng bán rẻ. Đôi lúc, đó chỉ là “thủ thuật” gây chú ý từ môi giới bất động sản.
Với các thông tin sản phẩm “cắt lỗ”, nhiều môi giới có thể lôi kéo được sự chú ý của người mua. Thậm chí, có trường hợp rao bán giá chỉ từ 30-40% giá trị thực của sản phẩm, gây hiểu nhầm.
Tìm hiểu về động thái của nhà đầu tư với bất động sản giảm giá cho thấy, họ đang khá e dè và thờ ơ với thông tin “hàng ngộp”. Bên cạnh một bộ phận sẵn tiền “xuống” nhanh với các bất động sản đã ngắm nghía từ trước đó thì nhà đầu tư vẫn chờ giảm giá sâu.
Theo một môi giới bất động sản lâu năm trong nghề, việc nguồn hàng giảm giá nhan nhãn cũng tạo hiệu ứng trái chiều. Nhiều người cho rằng đây là cơ hội mua bất động sản giá tốt. Ở chiều ngược lại, không ít người tiếp tục chờ đợi để nguồn hàng “ngộp” ra thị trường nhiều hơn, cơ hội “bắt đáy” cao hơn. Vì thế, sau thời điểm Tết giao dịch bất động sản vẫn khá ảm đạm.
Việc nhà đầu tư dần đuối sức sau Tết Nguyên đán đã thấy rõ trên thị trường bất động sản. Thời điểm trước Tết, nhiều người cố gồng để chờ tín hiệu sau Tết. Thế nhưng, vì thanh khoản thị trường yếu, nhà đầu tư bộc lộ sự chán nản.
Theo bà Dương Thuỳ Dung, Giám đốc CBRE Việt Nam, hiện nay trên thị trường bất động sản, giá bất động sản không giảm ồ ạt. Việc hàng ngộp giảm giá cũng chỉ xuất hiện ở một số phân khúc, sản phẩm và khu vực, không phải toàn bộ thị trường. Tuy vậy, thị trường đang ở giai đoạn ảnh hưởng tâm lý nặng nề do các chính sách tín dụng, lãi suất… cho nên, việc xuống tiền mua bất động sản ở giai đoạn này bị hạn chế. Điều này sẽ dần tốt lên khi các vướng mắc được tháo gỡ.
"Có khoảng 50-60% nhà đầu tư đang mắc kẹt trong bài toán tài chính. c dù nhu cầu với bất động sản còn khá lớn nhưng nhiều người khó đưa ra quyết định ở giai đoạn này khi các thông tin về lãi suất, tín dụng còn chưa cải thiện", bà Dung nhấn mạnh.