Diễn biến Chỉ số giá kim loại London Metal Exchange Index theo quý qua các năm (Đồ hoạ: Bloomberg)
Tính chung cả quý 2 vừa qua, chỉ số giá kim loại London Metal Exchange Index đã giảm tới 23%, xác lập mức giảm theo quý mạnh nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, chỉ số giá kim loại này giảm xuống theo quý.
Chỉ số giá kim loại London Metal Exchange Index đo lường sự biến động giá của 6 kim loại công nghiệp chính được giao dịch trên Sàn giao dịch kim loại London Metal Exchange (LME, Anh), gồm: nhôm, đồng, chì, nickel, thiếc và kẽm. Trong quý 2, giá thiếc đã giảm tới 38% - trở thành mặt hàng kim loại công nghiệp mất giá mạnh nhất; theo sau là nhôm (giảm 30%) và đồng (giảm 20%).
Mặc dù giá các kim loại này đã được hỗ trợ mạnh bởi lo ngại đứt gãy nguồn cung dưới tác động của cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine nhưng thị trường kim loại chịu áp lực bán tháo mạnh trong thời gian gần đây khi rủi ro suy thoái kinh tế toàn cầu ngày càng hiện hữu.
Bên cạnh đó, việc Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới phong toả kéo dài nhằm kiểm soát dịch Covid-19 cũng khiến các hoạt động sản xuất công nghiệp bị đình trệ, nhu cầu về kim loại giảm xuống. Trung Quốc hiện là quốc gia nhập khẩu và tiêu thụ kim loại công nghiệp hàng đầu thế giới.
Dữ liệu mới nhất của Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho thấy Chỉ số Nhà quản trị Mua hàng (PMI) khối ngành sản xuất chế tạo của nước này đã đạt 50,2 điểm. Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 2/2022, chỉ số này tại Trung Quốc vượt mốc 50 điểm, cho thấy hoạt động sản xuất chế tạo đã được mở rộng trong bối cảnh nước này dần nới lỏng các biện pháp phong toả.
Tuy nhiên, giới phân tích nhận định sự cải thiện trong hoạt động sản xuất chế tạo tại Trung Quốc chưa thực sự rõ rệt và triển vọng u ám về thị trường bất động sản tại nước này sẽ tiếp tục tác động tiêu cực đến nhu cầu sử dụng kim loại của nước này. Bên cạnh đó, việc Trung Quốc khẳng định theo đuổi chiến lược “Không ca nhiễm Covid-19” (Zero-Covid) khiến các hoạt động sản xuất chế tạo tại đây có nguy cơ tiếp tục bị đình trệ trong thời gian tới.
Nhu cầu sử dụng kim loại công nghiệp trên toàn cầu đã suy giảm; trong đó, lượng tồn trữ nhôm tại Nhật Bản đã tăng lên mức cao nhất trong hơn 6 năm trở lại đây (Đồ hoạ: Bloomberg)
Việc Trung Quốc áp dụng các biện pháp phong toả cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến Nhật Bản - nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, khiến sản lượng công nghiệp của Nhật Bản trong tháng 5 giảm tới 7,2%. Sự suy giảm hoạt động sản xuất chế tạo, đặc biệt là trong ngành công nghiệp xe ô tô, đã khiến lượng nhôm tồn trữ tại các cảng chính của Nhật Bản chạm mức cao nhất trong hơn 6 năm trở lại đây. Với vị thế là quốc gia nhập khẩu nhôm lớn nhất châu Á, điều này đã tạo áp lực đáng kể lên giá nhôm thế giới.
Các chuyên gia phân tích nhận định rủi ro Hoa Kỳ cũng như nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái sẽ tiếp tục đè nặng lên thị trường kim loại thế giới. Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) Jerome Powell và một số lãnh đạo các ngân hàng trung ương lớn khác cảnh báo nền kinh tế toàn cầu đang bước vào giai đoạn lạm phát cao hơn so với trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra. Tốc độ tăng trưởng của nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới suy giảm sẽ khiến nhu cầu sử dụng kim loại, đặc biệt là trong lĩnh vực xây dựng giảm xuống.