Cuối năm là dịp người trẻ thích gặp gỡ, đi ăn uống với bạn bè, đồng nghiệp. Ảnh: Duy Hiệu.
Khi bắt đầu công việc vào buổi sáng, Anh Tuấn (27 tuổi), nhân viên công ty mảng tự động hóa tại Hà Nội, vẫn thấy cơ thể lờ đờ, đầu đau như búa bổ sau cuộc nhậu tối qua.
Vì làm kinh doanh, đây là điều thường xảy ra với Tuấn. Tuy nhiên, càng về cuối năm, anh càng phải đi liên hoan, ăn uống với tần suất dày đặc, trung bình 3-4 lần/tuần.
Các cuộc vui thường chia ra 2 dạng: với khách hàng, nghiệm thu dự án hay với bạn bè, công ty.
“Với các bữa nhỏ, chi phí khoảng 2 triệu đồng cho 5-6 người, anh em tự bỏ tiền túi hoặc trích quỹ chung. Khoản này tiêu tốn của tôi 2-3 triệu đồng/tháng. Còn đi ăn với đối tác và khách hàng, 3-4 triệu đồng tùy bữa, được công ty chi trả. Nếu không, tiền lương không đủ bù ăn nhậu”, anh nói.
Tuấn thừa nhận bản thân thấy kiệt quệ vì nhậu nhẹt liên miên. Tuy nhiên, nhiều bữa anh không thể từ chối, thậm chí phải chủ động mời.
Ngoài uể oải, gây ảnh hưởng tới ngày làm việc hôm sau, Tuấn còn bị lên mẩn ngứa và mụn nhọt. Anh phải dùng thuốc bổ gan, nhưng không mấy hiệu quả.
“Từ khi đi làm, tôi tăng cân và mới có bụng bia vì rượu chè quá nhiều”.
Nghĩ từ giờ đến Tết còn nhiều sự kiện như World Cup hay tất niên, Tuấn lại thấy áp lực. Anh cho biết sẽ cố gắng hạn chế để vợ bớt lo lắng và có thời gian tối về chăm con nhỏ.
Nỗi lo của Tuấn phổ biến ở nhiều người trẻ khi cuối năm là dịp chi tiêu cho những bữa ăn tất niên, cuộc gặp gỡ các nhóm bạn bè, đồng nghiệp.
Ngại từ chối
Dù chưa tới tháng cuối cùng của năm, Minh Đức (28 tuổi), làm việc trong lĩnh vực y tế, đã liên tục ăn nhậu 1-3 bữa/tuần với đồng nghiệp. Với chi phí 200.000-300.000 đồng/lần, anh tiêu tốn hàng triệu đồng mỗi tháng.
“Tôi vừa đi làm cách đây vài tháng. Là nhân viên mới, tôi muốn mở rộng mối quan hệ nên ít khi từ chối cuộc vui nào. Đôi khi, tôi không đi được do trùng lịch trực hoặc bị ốm”, anh nói.
Minh Đức tiêu tốn hàng triệu đồng mỗi tháng cho việc ăn uống, nhậu nhẹt với đồng nghiệp.
Trước khi trở về Việt Nam, Đức có 5 năm học tập và làm việc tại Nhật Bản. Thời gian đó, mỗi dịp cuối năm, anh cũng tụ tập với anh em, bạn bè đồng hương, nhưng chỉ một bữa vì ai cũng bận rộn.
“Cuộc sống ở Nhật lúc nào cũng hối hả. Cuối năm, người dân bản địa cũng chỉ ăn một bữa tổng kết. Hai ngày đầu năm, họ về sum vầy với gia đình và đi chùa chiền. Ngày thứ 3, ai nấy lại đi làm bình thường. Ở đó không có chỗ cho những chầu nhậu kéo dài như ở Việt Nam”, anh kể.
Có tửu lượng khá tốt, Đức thường chỉ thấy hơi mệt vào ngày hôm sau bữa nhậu. Tuy nhiên, bên cạnh nỗi lo tốn kém, anh cũng sợ ảnh hưởng sức khỏe nếu phải uống rượu bia liên tục khi dịp Tết ngày càng tới gần.
“Nghĩ là vậy nhưng còn trẻ, cậy có sức khỏe nên vẫn mải chơi”, anh thừa nhận.
Cuối năm, mọi “kèo” ăn chơi của Hương Huyền (22 tuổi), nhân viên công ty truyền thông ở TP.HCM, đều được dồn vào tháng 12. Càng gần Tết, lịch đi ăn uống của cô lại càng kín.
“Nhẹ nhàng thì tuần một lần, kéo từ tháng 12 tới trước Tết Âm lịch. Còn đỉnh điểm là một tuần 3 cữ rượu. Thường tôi sẽ đi với bạn bè, lê la quán nhậu bình thường hoặc quán rượu quen. Chúng tôi hạn chế tụ tập ở nhà vì sợ làm phiền phụ huynh”.
Mỗi bữa, Huyền tiêu tốn trung bình 200.000-700.000 đồng. Nếu lên bar, chi phí không dưới 1 triệu đồng. Xác định lần nào cũng say xỉn, cô mất thêm tiền bắt Grab đi lại cho bớt nguy hiểm.
Vấn đề của Huyền còn nằm ở tính cách cả nể. Ngay cả khi bạn bè không thật sự thân thiết rủ đi ăn uống, cô vẫn đồng ý để giữ quan hệ. Lúc này, cô cảm thấy vừa kém vui, vừa phí tiền.
“Bạn bè thấy tôi chịu chơi, chịu uống nên cứ nài nỉ, không rủ được thì giận nên cũng phiền. Họ cũng không cần người chia chi phí, chỉ muốn có cạ đi cùng nên tôi thường ngại từ chối”, cô giải thích.
Ngoài ra, do không có quá nhiều bạn bè, trong năm ít có cơ hội gặp nhau, Huyền thường tranh thủ các bữa liên hoan, tiệc tùng cuối năm để làm điều này. Đó cũng là cách cô tạm gác âu lo của cuộc sống hàng ngày.
Cuối năm, không chỉ hàng quán ăn bình thường, người trẻ còn tìm đến bar, pub, hàng bia thủ công để gặp gỡ bạn bè. Ảnh: Duy Hiệu.
Sau mỗi chầu nhậu, Huyền thường nôn ói nhiều, đau đầu, mệt mỏi 2 ngày sau mới tỉnh.
“Sau 2 năm uống liên tục, bao tử tôi yếu đi, thấy khó tiêu hơn khi ăn món cay, nóng hoặc đồ chua. Tuy nhiên, may mắn là tôi chưa tới mức phải uống thuốc để tráng bao tử”, cô nói.
Dù vậy, cuối năm nay, Huyền quyết tâm chỉ nhận kèo với bạn bè thật sự thân thiết để có những cuộc vui trọn vẹn.
Thích sự ấm cúng
Trường Thịnh (23 tuổi), trưởng phòng nội dung tại công ty truyền thông ở TP.HCM, lại có góc nhìn khác về vấn đề liên hoan, tiệc tùng cuối năm.
Trong quá trình đi làm văn phòng, anh nhận thấy các buổi liên hoan cuối năm của một số startup tồn tại bất cập.
Thứ nhất là việc tận dụng nhân lực hiện có để tổ chức sự kiện, từ lên kế hoạch, kêu gọi tài trợ đến làm MC, trang trí, hậu cần, văn nghệ.
“Điều này khiến đa số nhân viên đều e ngại và tránh né. Lý do là họ đều nghĩ rằng ăn liên hoan, tham gia tiệc để thư giãn, xả hơi cuối năm chứ không phải lúc tất bật chuẩn bị để rồi không được trọn vẹn”, anh giải thích.
Trường Thịnh mong muốn các buổi tiệc cuối năm diễn ra đúng như ý nghĩa của nó.
Thứ hai, theo Thịnh, là việc công ty bắt buộc nhân viên tham gia hoạt động cuối năm nếu không sẽ có hình thức xử lý. Dù mới dừng ở mức thông báo, chưa thực sự áp dụng, điều này vẫn gây tâm lý không thoải mái.
Về phía Thịnh, anh cho biết sẽ “bấm bụng” tuân theo nếu như được phân công nhiệm vụ và tham gia dù có một số đồng nghiệp không hào hứng.
“Tiệc thì ai cũng thích, nhưng chỉ khi đúng dịp và trọn vẹn mà ở đó, ai cũng trong tâm thế vui vẻ, thoải mái. Cá nhân tôi vẫn thích những buổi liên hoan giữa bạn bè và phòng ban mình làm việc hơn là với toàn thể công ty”.
Năm nay, khi nhiều ngày lễ như Giáng sinh, Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán sát nhau, Thịnh không thấy có nhiều thay đổi ngoài việc các đợt nghỉ gần nhau hơn.
Như mọi năm, chàng trai 23 tuổi sẽ tham dự một tiệc cuối năm với công ty và 1-2 bữa liên hoan với bạn bè, phòng ban mình làm việc.
Nếu đi với công ty, địa điểm tổ chức sẽ là nhà hàng. Còn với bạn bè và đồng nghiệp, dù có nhiều lựa chọn hiện đại như pub hoặc bar rooftop, anh vẫn ưa thích các hàng quán ăn gần gũi, ấm cúng hơn.