Trong cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu do ảnh hưởng của chiến sự Ukraine, Mỹ là một trong những bên hưởng lợi lớn nhất.
Sản lượng khí đốt tự nhiên và dầu mỏ vận chuyển từ Mỹ đến châu Âu tăng vọt. Theo công ty dữ liệu OilX, khoảng 500 tàu chở dầu của Mỹ đã đến châu Âu kể từ tháng 2/2022, giúp xuất khẩu dầu thô của nước này đạt mức cao kỷ lục vào năm ngoái.
Cột mốc này đánh dấu đỉnh cao của cuộc cách mạng đá phiến sét kéo dài suốt 15 năm tại Mỹ. Trong đó, công nghệ fracking dùng trong sản xuất dầu đá phiến đã giúp nước Mỹ trở thành nhà sản xuất dầu và khí đốt lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, với những vướng mắc trong kế hoạch tái đầu tư và gia tăng sản lượng, kỷ nguyên đá phiến của Washington sắp kết thúc kéo theo những hậu quả khó lường.
Kỷ nguyên đá phiến
Sự tăng trưởng nhanh chóng của đá phiến sét đã mang lại lợi ích lớn cho nền kinh tế toàn cầu thông qua việc duy trì giá nhiên liệu ở mức thấp, đồng thời giúp Washington “rảnh tay” ứng phó với các đối thủ giàu dầu mỏ - Iran và Venezuela - mà không cần lo ngại tác động kinh tế đối với cử tri trong nước.
Sản lượng dầu đá phiến tăng vọt đã xoa dịu thị trường dầu thô đầy biến động - ngay cả khi Mùa xuân Arab gây bất ổn cho các nhà sản xuất Trung Đông hay xung đột mới nổ ra ở miền Bắc Iraq và bán đảo Arab.
Ông David Goldwyn - cựu cố vấn năng lượng cấp cao của cựu Tổng thống Barack Obama - cho biết thời kỳ hoàng kim của đá phiến “đã đưa Mỹ trở lại vị trí đầu bảng, xét về khía cạnh địa chính trị”.
“Mỹ không còn ở trong tình thế phải lo lắng về nguồn cung dầu hay khí đốt nữa và điều đó giúp họ tự do hành động hơn trong các vấn đề quốc tế”, ông nhận định.
Không nơi nào gói gọn câu chuyện về đá phiến tốt hơn mỏ Bakken ở Bắc Dakota. Trong thập kỷ từ năm 2010 đến 2020, sản lượng dầu của bang này đã tăng vọt hơn 7 lần, chạm mốc gần 1,5 triệu thùng/ngày, nhiều hơn sản lượng của một số thành viên OPEC.
Từ nền kinh tế nông nghiệp ảm đạm, Bắc Dakota đã trở thành một vùng đất giàu năng lượng, biến ông Harold Hamm, 77 tuổi, từ một chủ trang trại thành nhà khai thác dầu nổi tiếng nhất nước Mỹ và là một tỷ phú, theo NBC.
Tuy nhiên, chi phí cao và tình trạng thiếu lao động đang gây khó khăn cho ngành đá phiến. Theo Goldman Sachs, trong những tháng gần đây, ngành khai thác này thiếu khoảng 20.000 lao động, OGV Energy đưa tin.
Hơn nữa, Phố Wall muốn trả lại lợi nhuận cho các nhà đầu tư chứ không phải tiếp tục tái đầu tư vào các giàn khoan mới. Dù giá dầu thô ở mức 80 USD/thùng, cao hơn nhiều so với mức trung bình dài hạn, các nhà sản xuất dầu đá phiến vẫn sợ vung tiền. Và trên hết, các giếng mới đang sản xuất ít dầu hơn.
Scott Sheffield - Giám đốc điều hành của Pioneer Natural Resources, nhà sản xuất đá phiến lớn nhất nước Mỹ - cho biết: “Kỷ nguyên tăng trưởng mạnh mẽ của đá phiến Mỹ đã kết thúc”.
Và điều này có thể phá vỡ trật tự năng lượng toàn cầu. Các nhà phân tích và giám đốc điều hành công ty khai thác nhiên liệu cảnh báo thế giới có thể đang bước vào giai đoạn thị trường dầu mỏ biến động nhiều hơn.
Đây sẽ là một vấn đề lớn với các nước nhập khẩu dầu mỏ, nhưng lại là một kỷ nguyên quyền lực mới với một số nhà cung dầu, đặc biệt là Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất và các nước khác trong nhóm OPEC.
Ông Jeff Currie, trưởng bộ phận nghiên cứu hàng hóa toàn cầu tại Goldman Sachs, cho biết đá phiến từng là công cụ để Mỹ “cạnh tranh với OPEC, tạo ra cái mà chúng ta gọi là “trật tự dầu mới”.
“Ngày nay, tình thế đó đã không còn nữa, buộc chúng ta trở lại ‘trật tự dầu mỏ cũ’ với sự thống trị của OPEC”, ông nói.
Phố Wall chùn bước
Sự sụp đổ giá dầu do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 vào năm 2020 tác động rất lớn đến ngành khai thác chủ chốt của Mỹ, gây ra một làn sóng phá sản đá phiến. Đó là dấu hiệu đầu tiên cho thấy sự bấp bênh của đá phiến sét.
Sản lượng của Bakken đã giảm xuống hơn 1 triệu thùng/ngày và hầu như không phục hồi. Chỉ có 39 giàn khoan hoạt động trên toàn mỏ trong tuần đầu tiên của tháng 1, giảm so với hơn 200 giàn khoan từ một thập kỷ trước.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ dự đoán sau 12 tháng tới, nguồn cung sẽ chỉ tăng 250.000 thùng/ngày - tương đương 2% - không thể theo kịp mức tăng dự báo về nhu cầu dầu mỏ của Mỹ.
Theo Financial Times, nhiều cơn gió ngược chiều đang thổi qua lĩnh vực dầu đá phiến tại Mỹ. Ngay cả ở Permian, khu vực tăng trưởng sản xuất duy nhất trong thời kỳ đại dịch, các nhà khai thác cho biết nhiều năm khai thác tràn lan đã khiến diện tích khoan giếng bị thu hẹp. Các nhà sản xuất lớn nhất ở Permian - gồm Pioneer, Chevron, Devon Energy, ConocoPhillips và một số công ty khác - vẫn nắm giữ một lượng lớn điểm khoan hàng đầu, nhưng các công ty nhỏ hơn đang cạn kiệt.
Không giống như sản xuất dầu thông thường, sản lượng từ các giếng đá phiến mới khoan giảm mạnh sau một năm hoạt động. Vì vậy, để duy trì sản lượng ổn định mỗi năm, các công ty phải tiếp tục khoan thêm giếng.
Trong khi đó, một số chuyên gia nhận định có lẽ trở ngại lớn nhất đối với sự tăng trưởng của ngành dầu đá phiến hiện nay là Phố Wall. Trong thời kỳ hoàng kim, các nhà khai thác liên tục chi vượt dòng tiền, tiêu tốn hàng chục tỷ USD vốn để tài trợ cho hoạt động khoan giếng. Sản lượng tăng vọt, nhưng sự hoang phí đã khiến giới đầu tư chùn bước.
“Chúng tôi đã sản xuất quá nhiều dầu và cạnh tranh với OPEC. Chúng tôi thực sự đã giảm giá 20-30 USD/thùng trong 10 năm qua dẫn đến việc mất toàn bộ cơ sở đầu tư”, ông Sheffield cho biết.
Do đó, các công ty khai thác đang nỗ lực thay đổi từ một ngành dành 100% dòng tiền để tăng trưởng sản xuất sang tái đầu tư chỉ 40-50%, với mục tiêu tăng trưởng 0-5%.
Sau một thập kỷ thua lỗ trong lĩnh vực dầu đá phiến, các nhà đầu tư đang thích thú với mô hình mới, đồng thời cảnh giác với việc đặt cược vào một lĩnh vực có kết quả tồi và một tương lai không chắc chắn khi thế giới hướng tới mục tiêu khử carbon.
Với những diễn biến hiện nay, ông Currie lập luận rằng sự tăng trưởng chậm chạp của đá phiến sét sẽ đưa quyền lực thị trường dầu mỏ và sức mạnh địa chính trị trở lại tay của Saudi Arabia và các đồng minh OPEC+.
Ông giải thích do quá trình khử carbon, các nhà đầu tư không muốn chi tiền cho các dự án dài hạn, tốn kém. Thay vào đó, họ đã chuyển sang cái gọi là các dự án “chu kỳ ngắn”.
“Với việc (ngành dầu đá phiến) Mỹ đang gặp khó khăn. Lựa chọn tốt nhất của các nhà đầu tư chỉ còn là các quốc gia vùng Vịnh ở Trung Đông”, ông nhấn mạnh.
Sự thay đổi này đặt số phận của thị trường dầu thô toàn cầu vào tay các quốc gia mà phương Tây có mối quan hệ không ổn định. Theo giới phân tích, nếu những nhà sản xuất này không tăng sản lượng, cách duy nhất để giải quyết vấn đề giá cao là giảm bớt nhu cầu dầu mỏ, có thể là thông qua suy thoái kinh tế.