Ở góc đường cách “Thai Cannabis Club” vài bước chân, Bill, du khách người Anh, châm điếu cần sa và say sưa thưởng thức, không hay biết gì về cơn bão dư luận và luật pháp đang nhấn chìm vấn đề cần sa ở Thái Lan.
“Tôi biết nói gì đây? Tôi đến từ Anh và mọi người ở đó đều hút cần”, người đàn ông khoảng 40 tuổi nói.
Hành động của anh không hoàn toàn hợp pháp, nhưng cũng không có nguy cơ bị yêu cầu dừng lại.
Thái Lan hợp pháp hóa cần sa vào tháng 6, nhưng không đưa ra quy định rõ ràng về việc ai được phép hút, loại gì, ở đâu, khi nào và như thế nào, theo SCMP.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế công cộng Thái Lan Anutin Charnvirakul, sự thay đổi này nhằm thúc đẩy nền kinh tế bằng cách cho phép người dân trồng cây cần sa chất lượng cao dùng vào mục đích y tế như điều chế thuốc bổ gai dầu, thuốc mỡ, dầu CDB và phương pháp điều trị ung thư có hàm lượng THC (một loại chất kích thích) không quá 0,2% hoặc không đủ để gây phê.
Tuy nhiên, việc sử dụng cần sa để giải trí đã bùng nổ, tạo ra khu vực xám trong việc thực thi pháp luật. Điều này khiến các bậc cha mẹ lo lắng và những thành phần bảo thủ trong xã hội phẫn nộ. Họ đang đấu tranh để đưa cần sa trở lại danh sách các chất gây nghiện bị cấm hoặc ít nhất là được kiểm soát chặt chẽ.
Quy định nhập nhằng
The Cannabis and Hemp Act (tạm dịch: Đạo luật Cần sa và Cây gai dầu) vẫn chưa được thông qua. Các nhà lập pháp phải có những hạn chế tạm thời để thu hút trở lại việc kiểm soát cần sa mà nhiều chuyên gia cho rằng hiện là tự do nhất trên thế giới.
Tuần này, một loạt sắc lệnh thắt chặt kiểm soát đối với vấn đề hóc búa về cần sa của xứ Chùa Vàng được đưa ra.
Có hiệu lực từ 24/11, nụ cần sa, bộ phận chứa nhiều chất cannabinoid có khả năng gây nghiện, là loại “thảo dược được kiểm soát”, nhưng không phải chất bị cấm hoặc bị đưa trở lại danh sách chất cấm ma túy.
Theo Royal Gazette, việc bán cần sa cho phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú hiện nay là bất hợp pháp, tương tự với người dưới 20 tuổi và sinh viên. Trong khi đó, hút cần sa tại “bất kỳ địa điểm kinh doanh nào đều bị nghiêm cấm”, cũng như “quảng cáo dưới mọi hình thức cho mục đích thương mại”.
Không có đề cập nào đến việc hút cần sa bên ngoài đường phố, mặc dù cảnh sát cảnh báo rằng họ có quyền xử phạt những người vi phạm luật công cộng.
Ngày 25/11, các nhóm chat trên LINE vẫn cung cấp tất cả loại sản phẩm cần sa có hàm lượng THC cao, từ bánh hạnh nhân đến kẹo dẻo, mặc dù một số quầy hàng trên đường phố dường như không khuyến khích khách hàng tụ tập xung quanh nơi kinh doanh của họ.
Đối với những người theo đường lối cứng rắn đang vận động hành lang chống lại việc hợp pháp hóa cần sa, việc đưa nó trở lại danh sách các chất gây nghiện bị cấm là đủ.
Pimrapee Panvichatkul, nhà lập pháp của đảng Dân chủ, cho biết: “Chỉ phân loại nụ cần sa là loại thảo dược được kiểm soát không phải là cách giải quyết vấn đề”.
Bà nói thêm: “Nếu Đạo luật Cần sa được thông qua, mỗi hộ gia đình sẽ được phép trồng 15 cây. Vì vậy, mọi người sẽ không cần phải mua cần sa nữa. Trẻ em sẽ trở thành những kẻ nghiện ngập và trong vòng 5-7 năm nữa, chúng ta sẽ thấy những thây ma lang thang khắp nơi”.
Prajya Aura-ek, doanh nhân đầu tư vào một trang trại cần sa và vài trạm xá được cấp phép, cho biết việc cấm cần sa trở lại có thể không đơn giản như người ta tưởng.
Chỉ riêng ở quận Nana của Bangkok đã có hơn 20 địa điểm đang kinh doanh, từ những cửa hàng lớn bán các chủng loại được quảng cáo công khai với mức THC lên tới 25% và bày trong tủ kính cho đến các quầy nhỏ hơn với đội ngũ nhân viên tư vấn nhiệt tình.
Trong khi đó, những người bán hàng rong bán điếu cần sa cuộn sẵn (200-300 baht; 5,60-8,40 USD) hoặc bánh quy, thậm chí có một số xe chở cần sa đi bán dạo trên đường.
Những người ủng hộ hợp pháp hóa cần sa không mong đợi tình hình sẽ như thế này.
“Thật kinh khủng, thật hỗn loạn. Chúng tôi mong đợi luật được quản lý và thực thi đúng cách. Tôi không muốn những người chưa đủ tuổi hút cần sa. Mọi người mua bán ngoài đường quá dễ dàng, trong khi nguồn gốc không được kiểm tra”, Prajya nói.
Nhà đầu tư này nói rằng cuộc tranh cãi về luật cần sa đang làm nguội lạnh niềm tin vào ngành công nghiệp có thể phát triển thành nền kinh tế toàn quốc trị giá hàng tỷ USD, tạo ra nhiều việc làm mới từ nông dân đến người làm công ăn lương.
Prajya nói thêm: “Tôi chỉ là doanh nhân nhỏ với khoản đầu tư thấp. Nhưng tất cả sự hỗn loạn này khiến chúng tôi phải thật cẩn thận với túi tiền của mình”.
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư nhỏ hơn phàn nàn rằng các giống có hàm lượng THC cao như sativa, indica và hybrid đang tràn ngập thị trường Thái Lan có nguồn gốc từ Mỹ và Canada. Chúng thường được nhập lậu, qua con đường chuyển phát nhanh qua FedEx, với giá rẻ hơn hàng nội địa nhiều lần.
“Không phải trò chơi”
không ai biết điều gì sẽ xảy ra khi Đạo luật Cần sa được bỏ phiếu thông qua tại Quốc hội, có thể trong vòng vài tuần tới.
Ngày 21/11, ông Anutin, chính trị gia đứng đằng sau việc hợp pháp hóa cần sa, nói với phóng viên rằng việc tái cấm là rất khó xảy ra.
“Nụ cần sa không phải chất gây nghiện. Thứ được coi là chất gây nghiện là chất chiết xuất có hàm lượng THC trên 0,2%. Điều này quy định rõ ràng trong chính sách của chính phủ và chúng tôi hoàn toàn tuân thủ”, ông nói.
Tuy nhiên, sự thất vọng và sợ hãi đang gia tăng trong cộng đồng cần sa của Thái Lan. Họ tin rằng những người bảo thủ với các chương trình nghị sự chính trị cuối cùng có thể cố gắng phân loại lại cần sa.
Ông Anutin được nhiều người coi là nuôi dưỡng tham vọng thủ tướng và đảng Bhumjai Thai của ông đóng vai trò chủ chốt trong các cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào nửa đầu năm tới.
Sarapratum Nattapong, doanh nhân và nhà hoạt động nhằm hợp pháp hóa cần sa, cho biết: “Tôi muốn nói với tất cả chính trị gia rằng hãy ngừng sử dụng người dân làm trò chơi của họ. Những người tuân thủ luật trong cuộc chiến này đã phải chịu rất nhiều thiệt hại”.
Thêm vào đó, bất kỳ động thái nào nhằm tái hình sự hóa việc sử dụng cần sa sẽ thúc đẩy ngành công nghiệp trồng cần sa quay trở lại hoạt động ngầm.
“Mọi người sử dụng cần sa sẽ lại trở thành tội phạm và uy tín của các khoản đầu tư của doanh nhân trong và ngoài nước sẽ bị hủy hoại”, Sarapratum nói thêm.
Bên ngoài một phòng gym ở trung tâm du lịch Nana của Bangkok, một người đàn ông Kuwait cố gắng châm điếu cần trong cơn mưa tầm tã.
“Điều này là hợp pháp”, anh nói khi được hỏi nghĩ gì về việc hút cần sa ngoài đường, trước khi dừng lại và hoài nghi: “Phải không?”.