Tại phiên họp Chính phủ sáng 22/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, chưa có tiền lệ. Ở hầu hết quốc gia, tăng trưởng có xu hướng giảm, lạm phát có xu hướng tăng cao, nhiều ngân hàng trung ương phải tăng lãi suất.
Việc các nước tăng lãi suất ảnh hưởng tới nhiều quốc gia khác về nợ công, xuất khẩu và tỷ lệ thất nghiệp.
Nền kinh tế Việt Nam có quy mô khiêm tốn, độ mở cao, sức chống chịu và cạnh tranh có hạn. Do đó, một biến động nhỏ trên thế giới cũng có tác động lớn tới tình hình trong nước.
Các thị trường lớn của Việt Nam như Mỹ, Liên minh châu Âu... có xu hướng bị thu hẹp. Phản ứng chính sách của những ngân hàng trung ương lớn cũng tác động tới tỷ giá, lãi suất, tín dụng, giá trị đồng tiền của Việt Nam.
Giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay
Thủ tướng nhấn mạnh trong bối cảnh đó, "dứt khoát không hoang mang, dao động; cũng không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác". Mục tiêu là ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn.
Về định hướng chính sách, người đứng đầu Chính phủ cho rằng cần phải thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả.
Ngân hàng Nhà nước cần điều hành chủ động, linh hoạt bằng các công cụ tỷ giá, lãi suất, tăng trưởng tín dụng; đẩy mạnh hỗ trợ lãi suất 2% và công tác truyền thông.
Ngoài nghiên cứu tăng lãi suất điều hành, tăng lãi suất huy động, Ngân hàng Nhà nước cần giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay và kêu gọi, vận động các tổ chức tín dụng tiếp tục đổi mới công nghệ, tăng hiệu quả hoạt động, quản trị, tiết giảm chi phí, nghiên cứu giảm lãi suất ở một số đối tượng, lĩnh vực phục vụ sản xuất kinh doanh để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi kinh tế sau dịch.
Tại phiên họp, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết trong bối cảnh đồng tiền của nhiều nước mất giá rất mạnh so với đồng USD, đồng tiền Việt Nam vẫn thuộc nhóm ít mất giá nhất so với khu vực và thế giới.
Thống đốc cho rằng, thách thức lớn nhất trong điều hành kinh tế vĩ mô vẫn là kiểm soát lạm phát.
"Trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, Ngân hàng sẽ kiên trì các giải pháp theo mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng 'ổn định không có nghĩa là cố định', mà theo sát mọi diễn biến để điều hành phù hợp tình hình", bà khẳng định.
Chính sách tài khóa mở rộng hợp lý
Trong khi đó, Bộ Tài chính được Thủ tướng đề nghị tiếp tục chỉ đạo, rà soát giảm thuế, phí, lệ phí và có chính sách hỗ trợ phù hợp giúp người dân, doanh nghiệp tiếp tục mở rộng sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm; tăng thu, giảm chi, tiết kiệm tối đa chi thường xuyên.
Thực hiện chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm hiệu quả.
Thủ tướng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo dõi, nắm sát tình hình, phản ứng kịp thời chính sách, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công thuộc chương trình đầu tư công trung hạn, chương trình phục hồi và phát triển, 3 chương trình mục tiêu quốc gia; đồng thời góp phần thúc đẩy đầu tư ngoài nhà nước.
Bên cạnh đó, phải bảo đảm an ninh, an toàn về tiền tệ, tín dụng, tài chính, nợ công, lương thực, năng lượng và thông tin; làm tốt công tác quy hoạch; rà soát hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh.
Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì bảo đảm tuyệt đối an ninh lương thực, thực phẩm; đẩy mạnh cơ cấu lại phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng kinh tế nông nghiệp hiệu quả, bền vững; thúc đẩy xuất khẩu nông sản.
Bộ Công Thương chủ trì thúc đẩy mạnh mẽ thị trường trong nước, mở rộng quốc tế, thúc đẩy cả cung và cầu; đẩy mạnh cơ cấu lại lĩnh vực thương mại, dịch vụ, bảo đảm tuyệt đối an ninh năng lượng, không được để thiếu xăng, dầu.
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phải chủ trì phát triển thị trường lao động bền vững, an toàn, hiệu quả; bảo đảm đủ lao động, không để thiếu lao động, làm gián đoạn sản xuất, kinh doanh.
Mới đây, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm lần thứ ba liên tiếp trong năm nay tại cuộc họp trong hai ngày 20-21/9 và cho biết sắp tới sẽ tiếp tục tăng trong nỗ lực kiềm chế lạm phát đã tăng vọt lên mức cao kỷ lục 40 năm.