Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số
Ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu hiện nay của tỉnh. Song, để đạt tất cả mục tiêu đề ra thì không hề đơn giản và cần sự nỗ lực vượt bậc...
Quảng Nam đặt mục tiêu từ nay đến năm 2025, có tối thiểu 1.000 lượt doanh nghiệp hợp tác xã, hộ kinh doanh được tham gia các hội thảo, khóa đào tạo, tập huấn để nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; 40% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ứng dụng các hình thức thương mại điện tử; 50% doanh nghiệp có website riêng để quảng bá thương hiệu, sản phẩm... Để đạt được mục tiêu trên, Quảng Nam đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về chuyển đổi số doanh nghiệp; triển khai các khóa tập huấn, đào tạo về chuyển đổi số cho doanh nghiệp; tổ chức đào tạo chuyên sâu theo quy mô, giai đoạn, lĩnh vực, nền tảng chuyển đổi số cụ thể… Ngoài ra, tỉnh cũng tổ chức các hoạt động tư vấn, giới thiệu, kết nối các doanh nghiệp có nhu cầu với các doanh nghiệp cung cấp giải pháp chuyển đổi số để triển khai thử nghiệm, tiến tới triển khai chính thức các giải pháp nền tảng; hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử điển hình, tham gia các sàn thương mại điện tử, website thương mại điện tử...
Trước đó, chính quyền Quảng Nam và Tập đoàn FPT cũng đã ký kết thỏa thuận hợp tác chuyển đổi số trên địa bàn. Đây được xem là bước đệm quan trọng để Quảng Nam cụ thể hóa các mục tiêu, sớm đưa Quảng Nam vào nhóm tốp đầu về chuyển đổi số của cả nước.
Ông Trần Quốc Bảo - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Quảng Nam cho rằng, công tác chuyển đổi số trong giai đoạn hiện nay được xem như là một phong trào chuyển đổi số. Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp, đây là một câu chuyện khó về quy mô, tính chất. Đối với doanh nghiệp lớn họ sẽ tập trung cải thiện về các thủ tục hành chính liên quan đến quản trị điều hành, còn những doanh nghiệp khởi nghiệp, nhỏ và vừa, mức độ để tiếp cận chuyển đổi số thì mới mang tính chất sơ khai. Nghĩa là mới chỉ sử dụng công nghệ để quảng bá hình ảnh và bán hàng. Còn để quản trị thì hiện nay chỉ có doanh nghiệp lớn thực hiện.
Thu hút các ngành kinh tế số
Song song, với việc hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện việc chuyển đổi số, Quảng Nam cũng đang nỗ lực thu hút đầu tư vào các ngành kinh tế số. Mới đây, UBND tỉnh Quảng Nam đã gửi Bộ Kế hoạch - Đầu tư chương trình xúc tiến đầu tư năm 2023. Theo đó, trong năm tới tỉnh ưu tiên thu hút các ngành kinh tế số, phát triển trên nền tảng công nghệ 4.0 như, công nghiệp ICT, kỹ thuật số, kỹ thuật nano, công nghiệp sinh học, vật liệu mới, dược phẩm, sinh học, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao...
Tỉnh ưu tiên các dự án có hàm lượng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, chuyển giao công nghệ. Thu hút đầu tư các dự án mới phải đảm bảo hài hòa giữa mục tiêu tăng trưởng, tạo nguồn thu địa phương với trình độ công nghệ của dự án, sử dụng nguồn lực nội địa; không tiếp nhận các dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, tiêu tốn năng lượng, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Cụ thể, về công nghiệp phải quy hoạch, định hướng đầu tư sản xuất theo cụm ngành với công nghệ hiện đại, công nghiệp xanh ít sử dụng lao động; Phát triển mạnh ngành công nghiệp ô tô, ngành công nghiệp hàng không, bên cạnh đó là các cụm ngành công nghiệp điện khí, điện tử, công nghiệp phụ trợ ngành dệt may, công nghiệp thực phẩm, đồ uống. Trong dịch vụ, ưu tiên phát triển các ngành dịch vụ du lịch, y tế, chăm sóc sức khỏe, đào tạo nghề, logistics. Quảng Nam cũng định hướng phát triển du lịch xanh; nông nghiệp phát triển theo chuỗi giá trị, thích ứng với biến đổi khí hậu; có chính sách thu hút mạnh mẽ các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, chế biến sâu các sản phẩm nông nghiệp.
Bên cạnh đó, các hoạt động xúc tiến đầu tư cũng đang được đẩy mạnh. Từ đầu năm 2022 đến nay, Quảng Nam đã tiếp và làm việc với nhiều đoàn doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước đến nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội đầu tư vào tỉnh Quảng Nam. Trong đó, có thể kể đến như, đoàn công tác của Đại sứ quán Tây Ban Nha tại Việt Nam, tổ chức xúc tiến đầu tư và thương mại Hàn Quốc (KOTRA), Hiệp hội doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham)... Cùng với đó, Quảng Nam còn tổ chức buổi gặp mặt các doanh nghiệp lớn tại TP. Hồ Chí Minh, để kêu gọi đầu tư vào địa phương trong nhiều lĩnh vực trọng điểm; đẩy mạnh quan hệ hợp tác chặt chẽ, tranh thủ sự hỗ trợ từ các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài và các cơ quan đại diện ngoại giao các nước tại Việt Nam để hợp tác, tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến đầu tư.