Trước thông tin người dân sắp phải trả phí khi sử dụng nhiều tuyến cao tốc mới, Bộ GTVT vẫn đang nghiên cứu cơ chế thu cụ thể cho các tuyến đường này.
Về cơ bản, hình thức thu vẫn sẽ thông qua các trạm thu phí áp dụng công nghệ ETC như đang triển khai. Tuy nhiên, các bộ ngành sẽ cần nhiều thời gian bàn thảo về cơ chế thu và cơ sở xác định mức phí.
Đề xuất được làm thí điểm
Theo Bộ GTVT, mức thu phí các tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư sẽ được xác định trên nguyên tắc đầu tiên là phù hợp với lợi ích và khả năng chi trả của người sử dụng đường cao tốc.
Thứ 2, mức thu được xây dựng trên cơ sở tổng số phí thu được sau khi bù đắp chi phí tổ chức thu, phải đảm bảo còn dư để cân đối vào ngân sách Nhà nước.
Thứ 3, mức thu được tính toán theo từng đoạn/tuyến đường cao tốc cụ thể để đảm bảo phù hợp với điều kiện khai thác, kinh tế xã hội theo từng khu vực.
Số tiền thu được sau khi trừ chi phí tổ chức thu sẽ nộp trực tiếp vào ngân sách Nhà nước. Trường hợp tuyến đường được xây bằng nguồn vốn góp giữa ngân sách Trung ương và địa phương, số tiền thu được sẽ được phân chia tương ứng theo tỷ lệ nguồn vốn đầu tư vào dự án.
Về hình thức thu phí, Bộ GTVT cho biết sẽ thu qua trạm thu phí, áp dụng công nghệ thu phí điện tử không dừng.
Trước mắt, phạm vi thu phí bao gồm các tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư, đưa vào khai thác trước năm 2025 (gồm 9 tuyến Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - Quốc lộ 45, Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây, Cầu Mỹ Thuận 2 và TP.HCM - Trung Lương).
Về các bước triển khai, trước mắt, Bộ GTVT đề xuất Chính phủ cho phép bộ được xây dựng đề xuất cơ chế thí điểm thu phí sử dụng đường bộ với các tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư.
Tiếp theo, Quốc hội cần ban hành Nghị quyết chấp thuận cơ chế thí điểm như đề xuất của Bộ GTVT. Sau đó, Chính phủ sẽ ban hành nghị định hướng dẫn thu, nộp, quản lý tiền thu được.
Khi các cơ sở pháp lý đã đủ, Bộ GTVT sẽ chỉ đạo các đơn vị được giao quản lý đường cao tốc xây dựng đề án khai thác (bao gồm cả việc tổ chức thu tiền).
Thu phí hay thu giá?
Theo Bộ GTVT, việc thu tiền sử dụng đường cao tốc do Nhà nước sở hữu có thể thực hiện theo "cơ chế phí" hoặc "cơ chế giá".
Nếu thực hiện thu phí (cơ chế phí), Bộ GTVT cho biết pháp luật hiện nay mới chỉ quy định: "Phí sử dụng đường bộ là loại phí được thu hàng năm trên đầu phương tiện ôtô, nộp vào ngân sách Nhà nước để phục vụ công tác quản lý, bảo trì đường bộ, không sử dụng làm khoản tăng thu của ngân sách Nhà nước để thực hiện đầu tư hạ tầng giao thông đường bộ".
Như vậy, trong danh mục các loại phí đường bộ chưa có quy định về phí sử dụng đường bộ thu qua trạm thu phí trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư. Để làm được việc này, Bộ GTVT cho biết cần phải xin chủ trương của Quốc hội.
Trường hợp thực hiện theo cơ chế giá, Bộ GTVT cho biết việc áp dụng cơ chế này chỉ được thực hiện đối với các dự án xây dựng đường bộ để kinh doanh (đơn cử như dự án BOT giao thông, các dự án do VEC đầu tư...).
Tuy nhiên, các quy định pháp luật hiện hành không cho phép Nhà nước đầu tư và trực tiếp kinh doanh đối với dự án đầu tư công. Bộ Tư pháp đã nêu ý kiến "Nhà nước không đầu tư để kinh doanh".
Do đó, nếu muốn triển khai thu theo cơ chế giá thì cần bổ sung quy định pháp luật để (1) tuyên bố Nhà nước đầu tư đường cao tốc có tổ chức thu tiền để hoàn vốn; (2) bổ sung danh mục giá do Nhà nước quản lý.
Qua đánh giá 2 cơ chế, Bộ GTVT cho rằng việc xác định mức giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo cơ chế giá sẽ không linh hoạt như khi thực hiện theo cơ chế phí. Bộ đề xuất triển khai theo cơ chế phí, không ban hành cơ chế thu giá do có nhiều bất lợi.
Quá trình thống nhất phương án, Bộ Tài chính và Bộ GTVT còn có ý kiến khác nhau ở 3 nội dung gồm mục đích thu tiền, phạm vi thu tiền và cơ chế thu tiền. Trong đó, Bộ Tài chính góp ý nên thu theo cơ chế giá.