Nằm trong đồ án 930 ha khu trung tâm TP.HCM, đường dọc bờ sông Sài Gòn được nhiều chuyên gia ủng hộ cần sớm nối liền thành một không gian công cộng chung. Tuy nhiên, ngoài khả thi về pháp lý, thành phố sẽ phải cân nhắc tiếp bài toán mới về khoản dự trù rất lớn cho chi phí duy tu, bảo dưỡng sau khi nhận bàn giao từ chủ đầu tư.
Trách nhiệm quản lý
Trao đổi với Zing, ThS. KTS Trần Trung Vĩnh (Giảng viên Khoa Quy hoạch Đô thị, Đại học Kiến trúc TP.HCM) nhìn nhận việc có thêm không gian công cộng cho người dân sẽ cần nguồn chi phí rất lớn để bảo dưỡng. Trong bối cảnh này, thành phố chắc chắn cần đặt nhiều trách nhiệm hơn cho việc quản lý khi mở đường ven sông.
Vì để bảo dưỡng một không gian dọc bờ sông sạch và đẹp như hiện nay, chi phí mà chủ đầu tư đang bỏ ra là không ít. “Vấn đề quản lý được đặt ra còn nhằm tránh những trường hợp xấu ảnh hưởng như đua xe, lạng lách, tụ tập, khi mở đường,”, KTS Trần Trung Vĩnh nói.
Đoạn đường dọc bờ sông và dải công viên hiện được 2 chủ đầu tư Vinhomes Central Park, Sai Gon Pearl quản lý chưa bàn giao lại cho TP.HCM. Ảnh: Quỳnh Danh.
Để có thêm nguồn kinh phí quản lý, chuyên gia cho rằng có thể tận dụng nguồn thu từ các dịch vụ tại khu vực, tùy theo loại hình để có chính sách mềm mỏng như tổ chức các kiosk cho người bán hàng rong, chợ đêm hoặc lễ hội ở phân khúc bình dân.
Với phân khúc cao cấp hơn, thành phố có thể mang lại nguồn thu từ đường thủy, buýt ven sông, bến du thuyền, bar, nhà hàng. “Như vậy, không gian phục vụ sẽ đa dạng, góp phần phát triển cả về kinh tế đêm”, KTS Vĩnh gợi mở.
Nói thêm, KTS Trần Trung Vĩnh cho hay không riêng tại Việt Nam, ở nhiều thành phố trên thế giới khi muốn mở cửa, việc có thêm những lượng khách mới hoặc có những hoạt động mới đều ảnh hưởng đến những hoạt động cũ. Mỗi dịch vụ có những phân khúc khách hàng khác nhau. Quan trọng là thành phố đa dạng hóa các dịch vụ và quản lý thế nào để tránh những xung đột.
Có thể chủ động vốn
Theo thống kê của Sở GTVT TP.HCM, trên chiều dài 3 km đường dọc bờ sông Sài Gòn hiện có 6 khu phức hợp bao gồm bệnh viện, trường học, trung tâm thương mại và hơn 17.000 căn hộ chung cư. Với hiện trạng nhà cửa đã có sẵn, TS Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và quản lý TP.HCM, cho rằng thành phố sẽ khó kêu gọi đầu tư theo phương thức đối tác công tư, dù tính khả thi của phương án này rất cao để doanh nghiệp thu hồi vốn.
Theo ông Thắng, khi phá tường để thông đường ven sông, tùy vào chiều dài và quy mô tuyến đường, thành phố có thể dùng nguồn vốn đầu tư công bằng cách đưa vào danh mục dự án đầu tư công 5 năm để chủ động.
Bức tường chắn giữa 2 khu dân cư cao cấp đang được xem xét tháo dỡ, mở đường dọc bờ sông. Ảnh: Quỳnh Danh.
Song, ông Thắng cho hay điều này sẽ còn phụ thuộc vào GRDP TP.HCM có thể tăng trên 9% vào năm tiếp theo hay không để có nguồn vốn dự phòng tốt hơn. Như vậy, trong trường hợp kinh tế thành phố năm nay và năm tới đều tương đối ổn, vấn đề tiến hành về dự án đầu tư công cũng được dễ dàng thực hiện.
“Tuy nhiên, kinh tế thế giới hiện đối mặt với lãi suất cao, lạm phát đã ảnh hưởng đến Việt Nam, làm đứt gãy chuỗi cung ứng, GRDP của TP.HCM có trên 9% hay không là vấn đề chưa thể xác định”, TS Thắng phân tích.
Để khai thác triệt để lợi thế đường ven sông, TS Trần Quang Thắng cho trong tương lai, thành phố nên làm một điều tra về xã hội học nghiên cứu lại nhu cầu của người dân để khai thác hiệu quả tuyến buýt đường thủy.
Trong đó, nghiên cứu sẽ làm rõ các nhu cầu của người dân, việc xây dựng bến bãi có khiến họ cảm thấy lý thú, nơi đây có trở thành điểm kết nối, vui chơi du lịch, ẩm thực, tụ điểm văn hóa hay không.
Tuyến đường ven sông và dải công viên dọc bờ sông nằm trong quy hoạch khu trung tâm 930 ha của TP.HCM. Ảnh: Quỳnh Danh.
“Tất cả điều này phải được kết nối trở thành bức tranh tổng thể chứ không phải chỉ xây mỗi cái bến, sẽ không mang nhiều ý nghĩa. Khi có không gian đẹp, người dân đi lại thuận lợi, kết nối giao thông dễ dàng, tự động thành phố sẽ có thêm điểm thu hút”, TS Thắng cho rằng để đầu tư được như vậy, thành phố nên huy động nguồn lực xã hội hóa.
Theo ông, đây cũng là một cách tạo thương hiệu cho địa phương. Vì để tăng giá trị kinh tế cho thành phố khi mở ra các hoạt động này còn tùy thuộc vào sức thu hút người phía người dân. Khi thương hiệu hấp dẫn, người dân cảm thấy thích thú, họ sẽ mở hầu bao để tham gia. Và người dân sẽ không chỉ ở địa phương mà còn là những du khách quốc tế.
Hôm 4/11, Chủ tịch UBND TP.HCM đề nghị Sở GTVT TP.HCM cùng các đơn vị liên quan khẩn trương làm việc với chủ đầu tư 2 dự án Sai Gon Pearl và Vinhomes Central Park để xem xét phá dỡ bức tường chắn tại đây.
Việc gỡ bỏ bức tường được thành phố nhắm đến với mục đích mở ra tuyến đường ven sông theo quy hoạch, có thêm lựa chọn đi lại cho người dân trong bối cảnh cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh cấm phương tiện để sửa chữa;ác tuyến đường xung quanh và đặc biệt là Điện Biên Phủ luôn trong tình trạng quá tải người dân đổ về khu trung tâm.
Đến nay, các cơ quan chức năng và chủ đầu tư 2 dự án khu dân cư cao cấp trên đang rà soát pháp lý các khu đất để đưa ra thời gian thực hiện đầu việc này.