Chỉ thị số 13/CT-UBND về tăng cường giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 và vốn trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 vừa được Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM Phan Văn Mãi ký ban hành.
Theo đó, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân TP.HCM Phan Văn Mãi yêu cầu có chế tài xử lý nghiêm khắc các chủ đầu tư, nhà thầu, ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.
Đồng thời, người đứng đầu chính quyền Thành phố yêu cầu thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trì trệ, nhũng nhiễu, tiêu cực, kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực trong quản lý đầu tư công.
Chỉ thị 13 yêu cầu thủ trưởng các sở ban ngành, các chủ đầu tư, chủ tịch ủy ban nhân dân các quận, huyện và TP. Thủ Đức phải chịu trách nhiệm người đứng đầu, kiểm điểm trách nhiệm nếu tỷ lệ giải ngân không đạt trên 95% kế hoạch mà không có lý do chính đáng. Các tổ chức, cá nhân để xảy ra tình trạng giải ngân tỷ lệ thấp sẽ bị xử lý trách nhiệm.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM Phan Văn Mãi yêu cầu các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ giải ngân và hoàn thiện hồ sơ gửi đến kho bạc để thanh toán trong bốn ngày làm việc kể từ ngày có khối lượng được nghiệm thu. Các sở, ngành và chính quyền các quận, huyện và TP. Thủ Đức rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục đầu tư cho các dự án đầu tư công, giảm ít nhất 30% thời gian giải quyết so với quy định hiện hành.
Dự án cầu Nam Lý trên đường Đỗ Xuân Hợp (Thủ Đức) với vốn đầu tư 857 tỷ đồng, được khởi công năm 2016 nhằm thay cầu cống đập Rạch Chiếc, đến nay nằm "đắp chiếu" sau khi thi công được 39% khối lượng...
Đối với vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM yêu cầu các sở, ngành, các quận, huyện và TP. Thủ Đức xem xét đề xuất đưa ra khỏi kế hoạch đầu tư công trung hạn đối với các dự án hai năm liên tiếp không đăng ký nhu cầu bố trí vốn hàng năm để khởi công hoặc dự án không có khả năng tiếp tục giải ngân vốn, đề xuất điều chuyển vốn cho các dự án cấp bách và có tính khả thi thực hiện cao hơn.
Trên cơ sở đề xuất của các sở, ban, ngành, Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố tham mưu Uỷ ban nhân dân TP.HCM rà soát điều chỉnh ngay kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước từ dự án giải ngân chậm, dự án đang vướng về thủ tục sang dự án có tiến độ giải ngân tốt có nhu cầu bổ sung vốn.
Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố tham mưu các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng trên địa bàn TP.HCM; tổ chức hội nghị về công tác bồi thường giải phóng mặt bằng trên địa bàn Thành phố. Đồng thời, Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu Uỷ ban nhân dân Thành phố các quy trình, quy định liên quan đến chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; phân cấp, ủy quyền trong thẩm định, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
TP.HCM nằm trong nhóm giải ngân vốn đầu tư công thấp nhất cả nước.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố giao Sở Xây dựng chủ trì, tham mưu các biện pháp kiểm soát giá và chất lượng nguyên vật liệu xây dựng phục vụ cho các dự án đầu tư công; tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các vi phạm. Cập nhật, điều chỉnh công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng theo tháng theo đúng quy định; kiểm soát tình trạng biến động giá nguyên, nhiên vật liệu xây dựng và xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, nâng giá trục lợi.
Chỉ thị số 13/CT-UBND cũng yêu cầu Tổ công tác rà soát, giải quyết khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022. Tổ công tác rà soát các khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài đồng thời thúc đẩy giải ngân các dự án được giao vốn lớn khẩn trương xem xét giải quyết các vướng mắc, khó khăn của các dự án cụ thể. Báo cáo kết quả tại hội nghị giao ban đầu tư công hàng tháng của Thành phố.
Theo báo cáo của Uỷ ban nhân dân TP.HCM, tính đến hết ngày 30/9/2022, tổng vốn đã giải ngân của TP.HCM là 10.379 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 27,3% tổng kế hoạch vốn được giao (vốn được giao là 37.996 tỷ đồng), nằm trong nhóm giải ngân thấp nhất cả nước.
Vừa qua, tại kỳ họp thứ 7 Hội đồng nhân dân TP.HCM khóa X ngày 11/10/2022, Hội đồng nhân dân TP.HCM đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về điều chỉnh dự toán chi thường xuyên năm 2022, điều chỉnh giảm vốn kế hoạch đầu tư công năm 2022 với số vốn 635 tỷ đồng.
Cụ thể, Nghị quyết điều chỉnh giảm vốn ODA vay lại vốn nước ngoài của Chính phủ cho Dự án phát triển giao thông xanh TP.HCM là 486 tỷ đồng; giảm vốn đối ứng ODA của dự án này là 65 tỷ đồng. Điều chỉnh giảm vốn cho 28 dự án sử dụng vốn ngân sách tập trung là 24,902 tỷ đồng. Điều chỉnh giảm vốn cho 200 dự án sử dụng vốn bổ sung có mục tiêu cho quận, huyện và TP. Thủ Đức quản lý là 58 tỷ đồng.