Ngày 11/9/2023 tại Đắk Lắk, Diễn đàn trực tuyến “Nhận diện thực trạng liên kết tiêu thụ, xuất khẩu sầu riêng 2023 và giải pháp phát triển hiệu quả, bền vững ngành hàng sầu riêng Việt Nam” do Tổ diễn đàn Kết nối nông sản 970 chủ trì, phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk và Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk tổ chức.
Diện tích tăng 25%/năm
Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhận định: Thời gian qua, việc tăng giá quá nóng mất kiểm soát đối với trái sầu riêng, do hiện tượng tranh mua, tranh bán, loạn giá, bẻ cọc sầu riêng, tạo ra nguy cơ và hệ lụy rất lớn, ảnh hưởng đến chất lượng, uy tín và thương hiệu sầu riêng Việt Nam trên thị trường xuất khẩu.
Trước đây, đã có nhiều ngành hàng tiềm năng, ban đầu rất háo hức phát triển nhưng sau đó lại rơi vào bi kịch vì chúng ta nghĩ thời cơ nhiều hơn là nhận diện thách thức. Tôi mong muốn cộng đồng doanh nghiệp, người dân trồng sầu riêng, cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương bên cạnh sự háo hức khi có cơ hội xuất khẩu sầu riêng chính ngạch cũng cần lường trước những khó khăn, thách thức trong ngành hàng này.
Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, muốn ngành hàng sầu riêng nói riêng, các ngành hàng khác nói chung phát triển phải tổ chức lại cấu trúc ngành hàng bền vững. Trong đó, phải có sự hiện diện của cả sản xuất và tiêu thụ, nghĩa là có nông dân và doanh nghiệp. Muốn ngành hàng phát triển hiệu quả phải bắt đầu từ sản xuất, nghĩa là doanh nghiệp đến với người dân ngay từ khi xuống giống để hướng dẫn, tạo niềm tin. Còn nếu liên kết từ khâu tiêu thụ, thì lại rơi vào mối quan hệ thuận mua vừa bán.
“Các doanh nghiệp cũng cần thấm nhuần tư tưởng kinh doanh, buôn bán sầu riêng không chỉ vì lợi nhuận mà còn là trách nhiệm với nền nông nghiệp quốc gia. Từ đó, chuyển từ quan hệ thuận mua vừa bán sang quan hệ hợp tác”, Bộ trưởng lưu ý.
Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, thông tin đến nay cả nước có hơn 112 ngàn ha sầu riêng, diện tích đã tăng nhanh trong những năm gần đây, bình quân mỗi năm tăng gần 25%. Tổng sản lượng sầu riêng thu hoạch hiện nay khoảng 900 ngàn tấn/năm.
Trong đó, sầu riêng tập trung ở một số vùng chính như: Tây Nguyên hơn 52 ngàn ha (khoảng 47%), Vùng Đồng bằng sông Cửu Long 33 ngàn ha (khoảng 30%), Vùng Đông Nam bộ 21 ngàn ha (khoảng 19%) và một số địa phương khác. Riêng tỉnh Đắk Lắk hiện có khoảng 23 ngàn ha, trong đó có khoảng 50% diện tích đã cho thu hoạch với sản lượng năm 2023 ước tính trên 200 ngàn tấn.
Theo ông Dương, giá sầu riêng đã tăng cao từ sau khi Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật xuất khẩu chính ngạch sầu riêng vào Trung Quốc được ký kết giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Dự kiến, năm 2023, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng cả nước sẽ đạt trên 1,6 tỷ USD, chiếm khoảng 30% kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam.
Ông Vũ Đức Côn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk cho biết những tháng đầu năm 2023 do là mùa nghịch, giá sầu riêng lên tới 150.000-200.000 đồng/kg. Đến thời điểm hiện tại, đang là lúc sầu riêng Việt Nam trùng với mùa vụ của một số nước khu vực là Thái Lan, Malaysia, giá sầu riêng thu mua tại vườn đã giảm xuống khoảng 80.000 đồng/kg.
Ông Côn lo ngại, trên địa bàn đã xảy ra những hệ lụy của việc tranh chấp mua bán, gian lận thương mại, không tuân thủ thỏa thuận hợp đồng, ép mua ép bán, ép giá và chất lượng sản phẩm không đạt yêu cầu… Một vấn đề khác, hiện mới một phần ba diện tích sầu riêng ở Đắk Lắk cho thu hoạch trái. Dự tính sau 5 năm nữa, toàn bộ diện tích đang phát triển hiện tại cho thu hoạch, sản lượng sầu riêng của tỉnh sẽ vượt 300.000 tấn, gấp rưỡi hiện nay, liệu khi đó giá sầu riêng có còn cao như hiện nay, hay sẽ rớt giá?
Để sầu riêng phát triển bền vững, ông Côn kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu ban hành nghị định, thông tư hướng dẫn triển khai việc cấp, quản lý mã vùng trồng thay vì chỉ dựa vào tài liệu kỹ thuật như hiện nay.
Phải ngăn chặn tranh mua tranh bán
Ông Lê Anh Trung, Giám đốc đối ngoại của Tập đoàn Vạn Hòa Holding cho hay, Tập đoàn Vạn Hoà đã có cam kết sẽ cung ứng khoảng 20.000 tấn sầu riêng Việt Nam với các đối tác và khách hàng Trung Quốc. Tuy nhiên, với mức giá sầu riêng tăng quá cao, một số đối tác, khách hàng đã có động thái muốn cắt giảm đơn hàng.
“Tập đoàn chúng tôi liên kết sản xuất với nông dân, trong đó hỗ trợ đào tạo tập huấn nâng cao năng lực sản xuất, xây dựng mã số vùng trồng, hỗ trợ vốn 50 triệu đồng/ha. Thế nhưng, trải qua các vùng miền Tây, miền Đông lên Tây Nguyên, kế hoạch liên kết thất bại hoàn toàn và doanh nghiệp đang phải đi thu hồi vốn hỗ trợ cho người nông dân”, ông Trung nêu thực tế.
Chỉ ra nguyên nhân, ông Trung cho biết thương lái vào tận vườn thu mua với giá cao, khiến nông dân không hái trái bán cho Vạn Hòa Holding theo hợp đồng đã ký kết, mà bán cho thương lái.
Với khó khăn trên, ông Trung đề xuất các cơ quan chức năng, Hiệp hội sầu riêng Đắk Lắk sẽ tổ chức tuyên truyền để người dân biết giá trị thực sự của quả sầu riêng. Đồng thời, tổ chức hướng dẫn, tập huấn thêm kiến thức, kỹ thuật chăm sóc cây sầu riêng cho tất cả bà con nông dân. Từ đó, mới ổn định giá cả, chất lượng, giúp cho doanh nghiệp và người nông dân an tâm sản xuất, thu mua, như vậy thì ngành sầu riêng mới phát triển được bền vững và lâu dài.
Để cấu trúc lại ngành hàng sầu riêng bền vững, phải “cởi” được 6 nút thắt chính, đó là: tăng trưởng nóng; cạnh tranh trong thu mua, gom hàng, đạo đức kinh doanh; hạ tầng chế biến; quản trị chất lượng; liên kết giữa nhà vườn, thương lái, doanh nghiệp xuất khẩu; xây dựng quy trình chuẩn.
Ông Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp
Ông Nguyễn Hữu Chiến, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Tân Lập Đông, huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk nói “chưa an tâm” về tính bền vững trong công tác cấp, quản lý mã số vùng trồng. Một số đơn vị đứng chủ mã số vùng trồng nhưng chưa mua được sản phẩm từ mã số. Có những mã số vùng trồng được làm chuẩn như nhật ký ghi chép, theo dõi, giám sát sinh vật gây hại… thì giá bán trái sầu riêng cũng ngang bằng, thậm chí thấp hơn những đơn vị khác.
“Việc tranh mua, tranh bán diễn ra thường xuyên. Các doanh nghiệp trong nước đang đánh nhau và tự thua trên sân nhà, Rất nhiều thương lái đến hỏi mua sầu riêng mà không quan tâm đến mã số vùng trồng. Tôi hỏi tại sao sản phẩm đi xuất khẩu mà không quan tâm đến mã số, thì họ vỗ vai nói là việc mua bán mã số vùng trồng giờ quá đơn giản”, ông Chiến bức xúc.
Ông Nông Ngọc Trung, Chủ tịch HĐQT Công ty Cánh đồng vàng (Lạng Sơn), nhận định: “Thực trạng một số doanh nghiệp, tổ chức cá nhân không hiểu biết về sầu riêng thi nhau nhảy vào làm, nâng giá, làm xáo trộn ngành sầu riêng. Đây là sự cạnh tranh không lành mạnh. Với tiềm năng về sầu riêng tại thị trường Trung Quốc, các doanh nghiệp cần có tư duy bắt tay đồng hành cùng đưa sản phẩm vào thị trường Trung Quốc thay vì đối đầu, cạnh tranh nhau về vấn đề giá cả.
Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc SPS Việt Nam, khẳng định: Doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc phải tuân thủ mọi quy định về mã số vùng trồng. Sản phẩm phải được đóng gói ở đúng địa điểm đã đăng ký cấp mã số cơ sở đóng gói.
“Nếu có sự cố xảy ra, phía Trung Quốc sẽ truy xuất nguồn gốc về nơi đã đăng ký và được các cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Do đó, mọi hoạt động cần tuân thủ nghiêm những nội dung trong nghị định thư, tránh gây ảnh hưởng đến thương hiệu, uy tín và tính bền vững của chuỗi ngành hàng sầu riêng”, ông Nam nhấn mạnh.