Theo thông tin trong một cuốn tiểu sử về cha của Anthonydo James Kirby và Rod Myer viết, chế tạo thùng hộp không phải ý tưởng xuất hiện trong đầu của nhà sáng lập công ty Leon Pratt khi ông trốn chạy khỏi thành phố Danzig, nay là Gdańsk, bên bờ biển Baltic của Ba Lan.
Sau Thế chiến I, Đế quốc Phổ tan rã, Danzig được trao cho người Ba Lan; tuy nhiên, cư dân sinh sống ở đây hầu hết đều tự nhận là người Đức và với sự trỗi dậy của Hitler, một đảng Quốc xã địa phương được thành lập và giành quyền kiểm soát chính quyền thành phố này trong các vòng bầu cử năm 1933. Rất nhanh sau đó là những màn ngược đãi chủng tộc và nhiều người bạn Do thái của Leon đã vội vàng chạy trốn khỏi thành phố.
Nhưng ông và vợ mình, Patricia, chần chừ không muốn đi. Leon có một cửa hàng nhỏ bán xe đạp, còn Patricia sinh con trai Richard vào năm 1934. Họ từng hy vọng sẽ xây dựng được một cuộc sống thoải mái ở đây. Nhưng tới năm1938, khi cuộc xâm lược của quân Phát xít đã cận kề, họ xác định rằng mình không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc rời đi. Lúc này, những cánh cửa dành cho người Do thái đã khép kín ở khắp nơi trên thế giới, ngoại trừ Australia, và họ quyết định sẽ tới đó định cư.
Họ đến Melbourne với vẻn vẹn 2.000 bảng Anh trong túi và hoàn toàn không có triển vọng công việc nào dành cho Leon. Ông đành chuyển sang trồng hoa quả, dù rằng chưa từng có kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Ông dùng toàn bộ số tiền mang theo để mua 24 hécta đất trong trong khu vực đất đai trù phú gần thành phố Shepparton, còn được ví là vựa lương thực của Australia.
Có vẻ như xử lý những thách thức mới mẻ là một tài năng đặc biệt của gia đình này: Leon thành công với công việc mới bán hoa quả, nhưng ông thấy những loại thùng hộp dùng để đóng gói hoa quả đang có sẵn trên thị trường trông rất tồi tàn. Vì sao không làm ra một chiếc thùng đẹp mắt hơn?
Ông và một số người họ hàng cùng đi theo ông tới Australia đã hợp sức với một người bạn là kỹ sư và vội vàng lập ra một xưởng sản xuất thùng hộp tạm bợ. Trong một thời gian có thể được coi là khá nhanh đối với một công ty về sau này sẽ trở thành một nhà tiên phong trong lĩnh vực tái chế, cỗ máy đầu tiên của họ ra đời - đây là sản phẩm lắp ráp từ phế thải của hai kỹ sư được thuê nhưng không hề biết cách chế tạo máy móc. Họ mở nhà máy đầu tiên trong một căn phòng có diện tích vẻn vẹn 28 mét vuông.
Năm 1969, Richard, cha của Anthony, tiếp quản nhà máy và ông là người đã biến một xưởng sản xuất vẫn còn khiêm tốn khi đó trở thành một trong những công ty lớn nhất Australia. Lợi thế cạnh tranh ngay từ ban đầu của công ty này nằm ở chỗ 100% bột giấy mà họ sử dụng đều được tái chế từ các loại thùng hộp cũ. Khi nhìn ra cơ hội lớn ở Mỹ khi nước Mỹ không thể xây dựng được năng lực tái chế giấy, Anthony đã tiến vào thị trường này để đặt cơ sở hoạt động của công ty ở đây.
Anthony là một nhân vật rất ấn tượng, với mái tóc màu đỏ rực và giờ đây đã ngả sang màu nâu vàng. Ông là người hài hước với những câu nói dí dỏm thông minh, nụ cười rạng rỡ lúc nào cũng thường trực trên môi, và ông không hề tránh né giới truyền thông. Là một người hâm mộ cuồng nhiệt của vận động viên quyền anh Muhammad Ali (về sau hai người trở thành bạn tốt của nhau), ông từng có lần nói với một phóng viên rằng ông thích nghĩ về công ty Pratt Industries như vận động viên quyền anh lớn thứ hai thế giới.
Tuy nhiên, khi nói về công việc thì Anthony rất nghiêm túc; thực ra, ông là một nhà cách tân không biết mệt mỏi. Nhưng ban đầu, khi công ty này tiến vào thị trường nước Mỹ, họ không được coi trọng lắm. Thậm chí khi Anthony gần như ngay lập tức đạt được những thành công ấn tượng trên đất Mỹ, ông kể lại rằng công ty mình vẫn bị hầu hết người trong ngành coi là “một nhà tái chế rác rưởi”.
Khi một số tập đoàn kinh doanh và thành phố lớn, trong đó có Walmart và Thành phố New York, tìm tới cửa để đặt mối quan hệ đối tác giúp họ đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của mình, đột nhiên Pratt không còn dáng vẻ gì liên quan đến hai chữ rác rưởi nữa.
Nhìn chiếc xà lan nhẹ nhàng tiến vào khu vực xếp dỡ hàng của công ty Pratt theo sự dẫn dắt của chiếc tàu kéo nhỏ màu đỏ với lối thiết kế kinh điển, tôi không khỏi ngạc nhiên khi thấy ngay cả công việc vận chuyển giấy loại tới nhà máy cũng được thực hiện bằng cách tối ưu hóa hiệu suất tiêu thụ năng lượng. Để bổ sung vào kênh vận chuyển bằng xà lan, chính quyền Bloomberg cũng phê duyệt dự án tái xây dựng gần 2 km đường ray xe lửa tới nhà máy của Pratt. Như vậy, giấy loại sẽ được chuyên chở bằng đường tàu hỏa với hiệu suất tiêu thụ năng lượng cao hơn so với các loại xe tải ngốn gas - kế hoạch này cũng là một phần trong bản kế hoạch tổng thể của thành phố nhằm xử lý tình trạng biến đổi khí hậu.
Pratt Industries và các công ty khác đang dẫn đường trong lĩnh vực sản xuất giấy theo mô hình tuần hoàn là những trợ thủ đắc lực trong công cuộc thúc đẩy một trong những phương tiện tiềm năng nhất giúp loại bỏ bớt các loại khí thải nhà kính khỏi bầu không khí: tiết kiệm và khôi phục các khu rừng tự nhiên. Chúng là một trong những lực lượng hấp thụ carbon dioxide mạnh mẽ nhất trên Trái đất, chúng có thể dự trữ những khối lượng carbon dioxide khổng lồ trong thân và hệ thống rễ cây.
Như chúng ta sẽ thấy ở phần dưới, những sự đổi mới sáng tạo quan trọng trong lĩnh vực chế tạo và tái chế giấy là một trong những mặt trận ấn tượng nhất trên hành trình thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn. Tuy nhiên, có một rào cản đáng bực mình là những chiếc cốc giấy. Thoạt nhìn, chúng có vẻ là một sự sáng tạo đơn giản, nhưng đó lại là một quan điểm sai lầm - đây là điều mà đội ngũ Closed Loop Partners rút ra được khi tổ chức cuộc thi Next Gen Cup Challenge.