Nền kinh tế Mỹ đang phát triển, ông Biden không phải đối mặt với bất cứ cáo buộc hình sự nào – không giống như đối thủ của mình – và việc gây quỹ tranh cử của ông đang diễn ra tốt đẹp.
Tuy nhiên, cuộc chiến tái tranh cử Tổng thống Mỹ của Joe Biden bất ngờ phải đối mặt với một mối đe dọa mới– giá xăng tăng cao.
Kể từ đầu năm đến nay, giá xăng ở Mỹ đã tăng từ hơn 3 USD/gallon lên 3,67 USD - tăng khoảng 20%.
Mức này vẫn thấp hơn nhiều so với giá ở Anh – tương đương khoảng 80 xu một lít – nhưng giá nhiên liệu là một trong những vấn đề chính trị tiềm ẩn nhất ở Mỹ.
Chuyên gia Bob McNally của công ty Rapidan Energy đồng thời là cựu cố vấn của ông George W Bush, trong lần trả lời phỏng vấn của Financial Times vào tháng trước đã nói rằng: “Không có gì khiến một tổng thống Mỹ đương nhiệm sợ hãi hơn việc giá xăng tăng vọt trong năm bầu cử”.
Đó là lý do tại sao Washington đã nhiều lần cảnh báo Ukraine ngừng các cuộc tấn công vào các nhà máy lọc dầu của Nga và yêu cầu Israel ngừng leo thang xung đột ở Trung Đông - vì lo ngại điều này có thể khiến giá dầu tăng vọt.
Nhiên liệu là một vấn đề rất gây cảm xúc vì người Mỹ có xu hướng lái xe quãng đường xa hơn nhiều so với người Anh. Giá xăng ở các trạm bơm được hiển thị nổi bật hơn nhiều dọc theo các đường cao tốc của Mỹ và thường được coi là đại diện cho sức khỏe nền kinh tế quốc gia.
Bất cứ khi nào giá nhiên liệu giảm, ông Biden đều vui mừng vô cùng.
“Ngay bây giờ, một người lái xe trung bình ở Mỹ đang chi tiêu ít hơn 100 USD so với khi giá xăng ở mức cao nhất,” ông Biden đã khoe vào tháng 1/2024, lặp lại vô số tuyên bố tương tự được đưa ra trong suốt năm 2023.
Và không có gì đáng ngạc nhiên khi ông gần như im lặng về vấn đề này khi giá cả tăng cao.
Khi chính quyền của ông đề cập đến chủ đề này, mọi chuyện đã không diễn ra suôn sẻ. Hôm thứ Hai vừa qua, Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre nói rằng: “Tôi có thể nói rằng giá xăng vẫn thấp hơn nhiều so với mức đỉnh của năm 2022, tôi nghĩ điều đó quan trọng”. “Giá xăng trung bình hiện nay rẻ hơn so với thời điểm này năm ngoái và đó là nhờ những gì vị Tổng thống này đã làm trong ba năm qua.”
Tuy nhiên, nhiều người đã không nhìn thấy điều này theo cách đó. Theo dữ liệu của Cục Lao động Mỹ, lạm phát giá nhiên liệu đường bộ đã tăng 3,8% chỉ trong tháng 2/2024 và sau đó lại tăng 1,7% vào tháng 3/2024.
Tác động của những đợt tăng giá đó không chỉ dừng lại ở chủ sở hữu phương tiện vì giá dầu còn có tác động mạnh mẽ đến lạm phát chung. Giá dầu tăng đã đẩy tỷ lệ lạm phát của Mỹ lên 3,5% trong 12 tháng tính đến tháng 3/2024.
Dữ liệu mới nhất từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), cho thấy sẽ có nhiều đợt tăng giá hơn. Ví dụ, nhu cầu xăng của Mỹ đã tăng từ 8,61 triệu thùng lên 8,66 triệu thùng mỗi ngày chỉ trong tuần trước - nhưng tồn kho xăng của Mỹ giảm 1,1 triệu thùng xuống 227,4 triệu thùng.
Bất kỳ sự gia tăng nào về nhu cầu hoặc giá dầu toàn cầu tăng sẽ nhanh chóng đẩy giá ở các trạm xăng Mỹ lên cao.
Thời điểm được xem là ‘sống còn’ đối với nền kinh tế dựa trên xăng dầu vẫn chưa đến. Trong ngành công nghiệp ô tô, mùa hè được gọi là “mùa lái xe” ở Mỹ vì số lượng người lên đường đi du lịch trong kỳ nghỉ rất đông. Khi đó, cả nước sẽ cảm nhận rõ nhất sức ép của giá nhiên liệu tăng cao.
Đối với ông Biden, triển vọng giá ổn định có vẻ rất mong manh.
Dan Eberhart, giám đốc công ty dịch vụ mỏ dầu Canary của Mỹ, viết trong bài đăng trên tạp chí Forbes tuần qua rằng: “Giá xăng 4 USD/gallon dường như không còn xa nữa, đặc biệt khi rủi ro địa chính trị đã quay trở lại trên thị trường năng lượng”.
“Căng thẳng gia tăng ở Trung Đông và các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của vào khu vực lọc dầu của Nga – khu vực lớn thứ ba trên thế giới và là nhà xuất khẩu sản phẩm tinh chế quan trọng – cũng đang đẩy giá tăng cao”.
Những điều đó làm đau đầu ông Biden, khi cuộc bầu cử vào tháng 11 diễn ra ngay sau mùa lái xe.
Ashley Kelty, nhà phân tích nghiên cứu về dầu khí tại ngân hàng đầu tư Panmure Gordon, cho biết: “Giá ở các trạm xăng rất quan trọng đối với các cuộc bầu cử ở Mỹ và bất kỳ Tổng thống đương nhiệm nào cũng sẽ làm tất cả những gì có thể để giữ giá thấp”.
“Hãy nhìn vào nỗ lực mà ông Biden đã thực hiện trong cuộc bỏ phiếu giữa nhiệm kỳ bằng cách giải phóng nguồn dự trữ dầu từ quỹ dự trữ chiến lược.”
Ông đã giải phóng 180 triệu thùng dầu từ Cục Dự trữ Dầu khí Chiến lược quốc gia trong những tháng trước cuộc bỏ phiếu giữa nhiệm kỳ năm 2022 mà không có tác động rõ rệt đến giá cả. Nguyên nhân bởi các yếu tố chính thúc đẩy giá tăng là các nguyên tắc cơ bản của cung và cầu.
Theo IEA, nhu cầu dầu toàn cầu được dự đoán sẽ tăng 1,4 triệu thùng/ngày lên mức cao mới mọi thời đại là 104 triệu thùng/ngày vào cuối năm nay. Họ dự đoán nhu cầu dầu sẽ chưa đạt đỉnh ít nhất cho đến năm 2030.
Về lý thuyết, các nhà sản xuất dầu có thể bắt kịp với sự gia tăng nhu cầu đó. Tuy nhiên, giá tăng là cơ hội vàng cho những người bán dầu. Hạn chế nguồn cung để đẩy giá tăng lên là chiến thuật rõ ràng nhất. 12 thành viên của Opec - Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ - và 10 thành viên liên kết tạo nên Opec+, bao gồm cả Nga, đã tận dụng rất tốt cơ hội này.
Tháng trước, Opec đã công bố cắt giảm tự nguyện 2,2 triệu thùng/ngày trong quý 2/2024, ngoài quyết định cắt giảm sản lượng 471.000 thùng/ngày của Nga trong cùng kỳ.
Jorge León, phó chủ tịch cấp cao về nghiên cứu dầu và năng lượng tại Rystad Energy, cho biết: “Dự báo của chúng tôi là giá dầu sẽ vẫn tăng trong thời gian còn lại của năm, dao động quanh mức cao 80 USD”. “Mặc dù không thể hình dung được điều gì sẽ xảy ra ở Trung Đông nhưng dự báo của chúng tôi cho rằng sẽ không có sự leo thang đáng kể nào. Nhưng ngay cả khi không có leo thang, giá dầu vẫn ở mức cao này. Đó là bởi nhu cầu trong mùa hè dự đoán sẽ phục hồi mạnh mẽ.”
Các nhà phân tích khác nhìn chung đồng tình với quan điểm này - nhưng cảnh báo rằng căng thẳng leo thang giữa Israel và Iran là ẩn số lớn trong phương trình giá cả.
Tham khảo: Telegraph