Chia sẻ với CNBC Make It, bà Phoebe Gavin, huấn luyện viên về lãnh đạo và nơi làm việc, cho rằng các nhà lãnh đạo luôn phải chịu trách nhiệm về kết quả, bao gồm hiệu suất làm việc của tất cả nhân viên. Vì vậy, nếu giữa sếp và nhân viên có mối quan hệ tình bạn thân thiết, những kết quả này sẽ đứng trước nguy cơ bị thiên vị.
Theo một cuộc khảo sát năm 2015 của Spherion được công bố trên Franchise, cứ 5 nhân viên Mỹ thì có 3 người tin rằng những người làm bạn với sếp sẽ được đối xử đặc biệt hơn so với người giữ mọi thứ ở mức chuyên nghiệp. Trong số những nhân viên đó, 56% nhận định họ được sếp chú ý nhiều hơn và 52% nói rằng bản thân có lịch làm việc linh hoạt hơn.
Bà Gavin cho biết ngoài khả năng gây ra cáo buộc thiên vị, tình bạn giữa sếp và nhân viên còn tăng thêm nhiều rắc rối ở môi trường công sở.
"Sẽ có lúc, 2 bên xung đột với nhau. Khi mong muốn của họ làm đúng theo ý bạn, nó có thể mâu thuẫn với trách nhiệm của họ đối với công việc", bà Gavin nói.
Để tránh các trường hợp khó xử có thể xảy ra, bà Gavin khuyên mọi người nên chọn phát triển mối quan hệ ở mức ấm áp, chân thành thay vì trở thành bạn thân với sếp.
"Mối quan hệ của bạn với sếp chỉ nên dựa trên việc bạn thực hiện công việc như thế nào chứ không phải tính cách của bạn hòa hợp với sếp ra sao", bà Gavin nói.