Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc
Tăng lãi suất là một trong những phản ứng phổ biến của các ngân hàng trung ương nhằm kiềm chế lạm phát. Động thái này hiện đang là xu hướng toàn cầu, đặc biệt từ sau cuộc chiến tại Ukraine. Tuy nhiên, vẫn có những ngân hàng trung ương giảm lãi suất trong bối cảnh lạm phát chung, trong đó có Trung Quốc, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.
Xu hướng tăng lãi suất đối phó với lạm phát
Giá cả ổn định là điều kiện tiên quyết để duy trì phát triển kinh tế. “Lạm phát cao là thử thách chính cho tất cả chúng tôi”, chủ tịch Ngân hàng Trung ương EU Christine Lagarde từng nhận xét.
Chính sách tiền tệ thắt chặt trong thời kỳ lạm phát không thể giải quyết toàn bộ các vấn đề của lạm phát nhưng có thể làm chậm nhu cầu tiêu dùng tổng thể, từ đó hạ nhiệt được áp lực lạm phát liên quan đến nhu cầu.
Lãi suất tăng khiến việc đi vay nợ, bao gồm vay cá nhân, thế chấp và vay trả trước qua thẻ tín dụng trở nên kém hấp dẫn. Đồng thời, việc tăng lãi suất cũng khiến lãi suất tiết kiệm tăng theo, khuyến khích mọi người gửi tiết kiệm nhiều hơn.
Theo số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF, ngân hàng trung ương ở nhiều thị trường mới nổi đã chủ động tăng lãi suất ngay từ năm trước, các nước phát triển cũng có bước đi tương tự ở những tháng cuối năm 2021.
Hiện tại, xu hướng tăng lãi suất ngày càng rõ rệt. Trong phiên điều chỉnh lãi suất gần đây nhất, ngân hàng trung ương Mỹ, EU, Anh, Thụy Sĩ, Úc, Canada, New Zealand, Ấn Độ và Brazil đều tăng từ 0,5 - 1 điểm phần trăm . Quan trọng nhất là, tốc độ thắt chặt tiền tệ đang được đẩy nhanh ở vài quốc gia, nhất là các quốc gia phát triển, kể cả về tần suất lẫn mức độ tăng lãi suất.
Số lượng ngân hàng trung ương tăng lãi suất đã tăng đáng kể trong những tháng gần đây khi lạm phát lên cao:
Lưu ý: Các quốc gia phát triển được lấy mẫu bao gồm: Úc, Canada, Cộng hòa Séc, Nhật, New Zealand, Na Uy, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Anh, Mỹ và khối EU. Các thị trường mới nổi ở đây bao gồm: Brazil, Chile, Colombia, Mexico, Peru, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Hungary, Ba Lan, Romania, Nam Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan, Croatia, Nga, Ukraine, Hy Lạp và Ghana.
Nguồn: IMF tổng hợp từ Bloomberg
Tuy nhiên, không phải tất cả các quốc gia đều theo đuổi chính sách này.
Hướng đi ngược lại của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc
Khác với nhiều quốc gia như EU hay Mỹ, Trung Quốc lại có động thái ngược lại với lãi suất cơ bản. Ngày 15/8 vừa rồi, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) bất ngờ công bố cắt giảm lãi suất thêm 0,1 điểm phần trăm. Đây là lần cắt giảm lãi suất thứ hai trong năm nay của PBOC.
Theo ông Xing Zhaopeng, chiến lược gia về Trung Quốc tại ngân hàng ANZ, đây có lẽ là phản ứng trước chỉ số tăng trưởng kinh tế yếu. “Chính phủ vẫn cẩn trọng về tăng trưởng và sẽ không buông tay”, ông cho biết.
Song song với giảm lãi suất để kích thích nhu cầu, Trung Quốc còn kêu gọi hỗ trợ vốn trực tiếp vào những lĩnh vực trọng điểm như hạ tầng và công nghệ, tạo thêm việc làm nhằm khắc phục những tắc nghẽn của chuỗi cung ứng trong nước.
Qua hành động này, Trung Quốc rõ ràng không chỉ muốn hỗ trợ vực dậy nền kinh tế đang trì trệ do các biện pháp phòng dịch COVID-19 nghiêm ngặt, mà còn chứng minh sự khác biệt trong việc lựa chọn chính sách tài chính so với các nền kinh tế lớn khác.
Thổ Nhĩ Kỳ hạ lãi suất dù tỉ lệ lạm phát gần 80%
Trong khi hành động hạ lãi suất 0,1 điểm phần trăm của PBOC đã được đánh giá là chứa đựng rủi ro, thì mức giảm gấp 10 lần của ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ được gọi là “động thái ngớ ngẩn”, theo chiến lược gia các thị trường mới nổi tại BlueBay Asset Management.
Cuộc thử nghiệm chính sách kinh tế của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan năm ngoái đã khiến nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang rơi vào khủng hoảng. Tháng 9/2021, ông Erdogan yêu cầu việc giảm lãi suất, thay vì nâng, khi giá cả đang tăng tốc. Lạm phát tháng Bảy năm nay của nước này là 79,6%.
Dù vậy, ông Erdogan vẫn bảo vệ chính sách tiền tệ của mình, cho rằng các vấn đề kinh tế của nước này là do tác động từ bên ngoài và khẳng định việc giảm lãi suất sẽ làm giảm lạm phát và tăng xuất khẩu. Ông liên tục trấn an người dân và yêu cầu họ “kiên nhẫn” hơn nữa.
Nga giảm lãi suất do còn dư địa
Khác với Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ, Ngân hàng Trung ương Nga còn nhiều dư địa để giảm lãi suất khi đã tăng lãi suất cơ bản lên 20% từ hồi cuối tháng Hai. Ngày 22.7, Nga đã hạ mức lãi suất cơ bản xuống 1,5 điểm phần trăm, còn 8%, thấp hơn cả mức trước khủng hoảng Ukraine.
Hành động tăng lãi suất trước đó là nhằm mục đích đề phòng đồng ruble trượt giá. Tuy nhiên, hiện tác động của các lệnh trừng phạt quốc tế đang giảm dần và đồng ruble đang trên đà hồi phục. Nền kinh tế của Nga trong năm nay hiện được dự báo chỉ suy giảm từ 4-6%, thay vì mức dự báo giảm GDP 8-10% hồi tháng Tư.
Nhờ sự phục hồi của đồng ruble, lạm phát của Nga cũng hạ nhiệt từ 16,7% hồi tháng Ba xuống còn 15,9% vào tháng Sáu. Dự báo lạm phát đến cuối năm của Nga cũng hạ từ 18-23% xuống chỉ còn 12-15%.
Việt Nam vẫn chưa tăng lãi suất
Theo bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, diễn biến tăng lãi suất hiếm thấy của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) là thách thức với hoạt động điều hành chính sách kinh tế vĩ mô của Chính phủ nói chung và hoạt động điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước nói riêng.
Thêm vào đó, từ tháng Bảy, nhiều ngân hàng thương mại đã liên tục điều chỉnh mức lãi suất huy động, tạo thêm áp lực cho Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất cơ bản. Tuy nhiên đến nay lãi suất vẫn được duy trì ở mức 4%, dự kiến chỉ điều chỉnh nhẹ 0,3 - 0,5 điểm phần trăm vào cuối năm.
Tại Hội thảo “Lạm phát, lãi suất và chứng khoán” do Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam (VFCA) và Công ty CP Chứng khoán Nhất Việt (VFS) tổ chức ngày 15/7, nhiều chuyên gia tài chính cũng cùng nhận định rằng việc tăng lãi suất theo xu hướng thế giới mà bỏ qua những đặc điểm riêng của nền kinh tế Việt Nam, không chỉ là không cần thiết, mà còn gây nguy hiểm đến thị trường chứng khoán.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã lựa chọn con đường không dễ dàng trong bối cảnh lạm phát toàn cầu nhằm theo đuổi mục tiêu ổn định nền kinh tế, tránh gây “sốc” cho thị trường tài chính nói chung, thị trường chứng khoán nói riêng.