Sau quyết định cắt giảm sản lượng đột ngột của một số thành viên OPEC+ (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa và đồng minh), giới quan sát tin rằng giá dầu có thể vọt lên gần 100 USD/thùng. Nhưng giá dầu Brent (chuẩn toàn cầu) đã một lần nữa rớt xuống dưới ngưỡng 80 USD/thùng.
Theo CNBC, các nhà phân tích cho rằng tình trạng hỗn loạn trong ngành tài chính đã cản trở đà tăng của giá dầu. Sự mất cân bằng cung - cầu nhanh chóng bị lấn át bởi những lo ngại về một cuộc suy thoái.
Theo các nhà phân tích của Barclays, thị trường có thể đã đánh giá thấp quyết tâm của OPEC+ trong việc kiểm soát nguồn cung.
Động lực tăng trưởng đã cạn kiệt
Còn theo bà Helima Croft , Giám đốc điều hành RBC Capital Markets, Trung Quốc - nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới - hạn chế mua vào trong năm ngoái do chiến lược zero-Covid. Đến nay, nước này đã dần dỡ bỏ các biện pháp chống dịch gắt gao. Nhu cầu dầu thô trong nước cũng quay trở lại, nhưng với tốc độ chậm.
Quá trình phục hồi của nền kinh tế thứ 2 thế giới được cho là quá chậm chạp và muộn màng. Thị trường dầu vẫn đang chờ đợi những dấu hiệu cụ thể về việc tồn trữ dầu thô đã giảm mạnh nhờ nhu cầu tại Trung Quốc tăng lên.
Theo một số chuyên gia, trên thực tế, sự phục hồi của Trung Quốc hiện đã được phản ánh vào giá dầu. Trong khi đó, nguồn cung từ Nga cũng đáp ứng đủ nhu cầu của Bắc Kinh.
Mới đây, Phó thủ tướng Nga Alexander Novak tiết lộ Moscow đã chuyển 20% lượng dầu cung cấp cho châu Âu sang các thị trường châu Á.
Còn theo ông Viktor Katona, chuyên gia phân tích dầu thô hàng đầu tại Kpler, thị trường dầu đã bị ảnh hưởng bởi một loạt tin tức kinh tế vĩ mô ảm đạm, dẫn tới tâm lý tiêu cực của nhà đầu tư.
Cùng với đó, thị trường đã mất lòng tin vào các tuyên bố cắt giảm sản lượng của OPEC+. Họ sẽ chờ đợi những thay đổi rõ ràng hơn, chẳng hạn tỷ lệ xuất khẩu sụt giảm, để tiếp tục đánh giá.
Nhưng ông Katona dự đoán tình trạng thắt chặt nguồn cung sẽ hỗ trợ giá dầu trong mùa hè này. "Chúng tôi vẫn tin rằng tháng 7 và 8 sẽ nằm trong những tháng có nguồn cung khan hiếm nhất năm, với cầu vượt quá cung 2 triệu thùng/ngày", ông bình luận.
Triển vọng kinh tế xấu đi
Trong khi đó, một loạt vụ phá sản của các ngân hàng Mỹ và châu Âu đã khiến tâm lý của giới đầu tư lung lay, nhất là đối với những tài sản rủi ro, chẳng hạn hàng hóa.
Giá dầu rơi tự do trong bối cảnh môi trường kinh tế vĩ mô đầy rẫy thách thức, sự hoảng loạn lan rộng trong hệ thống ngân hàng và những lo ngại về việc Fed thắt chặt chính sách quá mức", ông Edward Moya - chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại hãng tư vấn Oanda (có trụ sở ở Mỹ) - nhận định với Zing.
"Do đó, kịch bản giá dầu cán mốc 100 USD/thùng sẽ không xảy ra", ông Moya dự báo.
Ở Mỹ, niềm tin của người tiêu dùng đã giảm xuống mức thấp nhất 9 tháng trong tháng 4 do triển vọng kinh tế ảm đạm. Điều này có khả năng kéo tụt chi tiêu tiêu dùng và đẩy nền kinh tế vào suy thoái ngay trong năm nay.
Theo dữ liệu chính thức, trong quý I, GDP của Mỹ chỉ tăng 1,1% so với cùng kỳ năm trước, giảm mạnh từ tốc độ tăng trưởng 2,6% của quý IV/2022 và thấp hơn đáng kể dự báo của giới phân tích. Tăng trưởng kinh tế giảm tốc cho thấy tác động tiêu cực từ những đợt tăng lãi suất dồn dập của ngân hàng trung ương.