Đây là kết quả được ghi nhận trong ấn phẩm “Kết quả chính thức Tổng Điều tra kinh tế 2021” vừa được Tổng cục Thống kê phát hành.
Quy mô về lao động bình quân của các doanh nghiệp có xu hướng thu hẹp nhưng quy mô về nguồn vốn bình quân của các doanh nghiệp lại có xu hướng mở rộng.
Cụ thể, giai đoạn 2016-2020, nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước vào doanh nghiệp duy trì đà tăng trưởng nhanh qua các năm. Tại thời điểm 31/12/2020, tổng nguồn vốn sử dụng cho sản xuất kinh doanh của toàn bộ doanh nghiệp đạt 48,7 triệu tỷ đồng, tăng 12,3% so với cùng thời điểm năm 2019 và tăng 73,5% so với năm 2016.
Bình quân giai đoạn 2016-2020, nguồn vốn thu hút đạt bình quân 38,4 triệu tỷ đồng/năm, với tốc độ tăng bình quân giai đoạn đạt 14,8%/năm, tăng 104,1% so với bình quân giai đoạn 2011-2015.
“Tốc độ tăng trưởng nguồn vốn luôn ở mức tăng trưởng cao hơn so tăng trưởng về số lượng lao động, cho thấy quy mô về lao động bình quân của các doanh nghiệp có xu hướng thu hẹp nhưng quy mô về nguồn vốn bình quân của các doanh nghiệp lại có xu hướng mở rộng. Điều này phản ánh doanh nghiệp mở rộng quy mô chủ yếu dựa vào tăng trưởng nguồn vốn thay vì tăng trưởng lao động. Đồng thời, cho thấy Việt Nam là một thị trường tiềm năng để thu hút vốn đầu tư, là tiền đề thúc đẩy các nguồn lực cho tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu”, Tổng cục Thống kê nhận định.
Ngoài ra, cơ cấu nguồn vốn giữa các loại hình doanh nghiệp thay đổi theo hướng tăng dần tỷ trọng nguồn vốn doanh nghiệp ngoài nhà nước và doanh nghiệp FDI, giảm dần tỷ trọng nguồn vốn doanh nghiệp nhà nước.
Theo loại hình doanh nghiệp, tại thời điểm 31/12/2020, doanh nghiệp ngoài nhà nước chiếm 59,4% tổng vốn toàn doanh nghiệp, thu hút 28,9 triệu tỷ đồng, tăng 11,7% so với năm 2019 và tăng 92,5% so với năm 2016.
Doanh nghiệp FDI chiếm 19,2%, thu hút 9,4 triệu tỷ đồng, tăng 18,3% so với năm 2019 và tăng 84,4% năm 2016.
Trong khi đó, doanh nghiệp nhà nước chỉ chiếm 0,3% tổng số doanh nghiệp nhưng chiếm 21,4% tổng vốn toàn doanh nghiệp, thu hút 10,4 triệu tỷ đồng, tăng 8,8% so với năm 2019 và tăng 30,8% so với năm 2016.
Bình quân giai đoạn 2016-2020, doanh nghiệp ngoài nhà nước thu hút 21,9 triệu tỷ đồng, tăng bình quân 17,8%/năm và tăng 135,5% so với bình quân giai đoạn 2011-2015.
Theo khu vực kinh tế, khu vực dịch vụ là điểm sáng của nền kinh tế khi huy động được nhiều vốn nhất trong toàn bộ doanh nghiệp, gấp 2 lần khu vực công nghiệp - xây dựng và gấp 70 lần khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản.
Tại thời điểm 31/12/2020, khu vực dịch vụ thu hút 32,3 triệu tỷ đồng cho sản xuất kinh doanh, chiếm 66,3% vốn của toàn bộ khu vực doanh nghiệp, tăng 13,4% so với cùng thời điểm năm 2019 và tăng 80,5% so với năm 2016; khu vực công nghiệp - xây dựng thu hút 16,0 triệu tỷ đồng, chiếm 32,8%, tăng 10,7% so với năm 2019 và tăng 60,8% so với năm 2016; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản thu hút 0,5 triệu tỷ đồng, chỉ chiếm 0,9%, giảm 9,9% so với năm 2019 nhưng tăng 73,4% so với năm 2016.
Bình quân giai đoạn 2016-2020, khu vực dịch vụ có quy mô nguồn vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh lớn nhất, chiếm 65,3%, với tốc độ tăng trưởng cao nhất, đạt 15,9%/năm và tăng 112,3% so với bình quân giai đoạn 2011-2015.
Tiếp theo, khu vực công nghiệp - xây dựng với tỷ trọng chiếm 33,7% trong tổng nguồn vốn của doanh nghiệp, tốc độ tăng trưởng bình quân năm đạt 12,6%, tăng 90,4% so với giai đoạn trước.
Khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm 1,0% trong tổng nguồn vốn, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn đạt 14,8%, tăng 87,5% so với giai đoạn 2011-2015.
Đáng chú ý, doanh nghiệp phát triển theo hướng mở rộng quy mô nguồn vốn bình quân trên một doanh nghiệp thay vì lao động như trước kia.
Giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng nguồn vốn huy động cho hoạt động sản xu nhanh hơn so với tốc độ tăng về số lượng doanh nghiệp đã dẫn đến sự thay đổi theo hướng mở rộng quy mô bình quân của doanh nghiệp theo nguồn vốn. Nguồn vốn bình quân doanh nghiệp tăng đều qua các năm, từ 55,6 tỷ đồng năm 2016 lên 71,2 tỷ đồng năm 2020.
Bình quân giai đoạn 2016-2020, quy mô nguồn vốn bình quân doanh nghiệp đang dần mở rộng với nguồn vốn bình quân mỗi doanh nghiệp là 63,4 tỷ đồng/doanh nghiệp, tương đương với quy mô của 1 doanh nghiệp vừa, tăng 27,3% so với bình quân giai đoạn 2011-2015.
Trong đó, doanh nghiệp nhà nước có quy mô nguồn vốn bình quân doanh nghiệp lớn nhất và có tốc độ tăng trưởng nguồn vốn bình quân nhanh nhất giai đoạn 2016-2020.
Cụ thể, doanh nghiệp nhà nước với tốc độ tăng trưởng nguồn vốn ở mức cao, tăng bình quân 15,4%/năm trong giai đoạn 2016-2020, từ 3,0 nghìn tỷ đồng/doanh nghiệp năm 2016 lên 5,3 nghìn tỷ đồng/doanh nghiệp năm 2020, tăng 110,4% so với bình quân giai đoạn 2011-2015.
"Đây là kết quả của tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thu hút thêm nhiều nguồn vốn đầu tư từ các tổ chức, đơn vị tư nhân", Tổng cục Thống kê nhận định.
Doanh nghiệp FDI cũng có quy mô về nguồn vốn tương đối lớn, bình quân 1 doanh nghiệp có quy mô nguồn vốn đạt 420 tỷ đồng tại thời điểm 31/12/2020, tương đương với quy mô của 1 doanh nghiệp lớn và có xu hướng tăng nhẹ qua các năm, với tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn đạt 3,8%/năm, tăng 19,4% so với bình quân giai đoạn trước.
Trong khi đó, khối doanh nghiệp ngoài nhà nước có quy mô bình quân thấp hơn nhiều so với 2 khối doanh nghiệp trên, bình quân nguồn vốn 1 doanh nghiệp ngoài nhà nước đạt 43,8 tỷ đồng tại thời điểm 31/12/2020 và có tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 9,2%/năm, tăng 46,6% so với bình quân giai đoạn trước.
Từ tháng 3/2021 đến tháng 12/2021, cuộc Tổng điều tra kinh tế được triển khai tập trung, thống nhất từ Trung ương đến địa phương thông qua Ban chỉ đạo Tổng điều tra các cấp, Ban Chỉ đạo Tổng điều tra Bộ Quốc phòng và Bộ Công an.
Đến nay, công tác xử lý, tổng hợp kết quả chính thức đã hoàn thành theo đúng tiến độ trong bối cảnh diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19.