Cổ phiếu VCB của Vietcombank đang trở thành tâm điểm trong nhóm vốn hóa lớn khi tăng mạnh để thiết lập các mức kỷ lục mới, đồng thời trở thành động lực lớn nhất để giúp thị trường chứng khoán Việt Nam có giai đoạn hồi phục ấn tượng.
Trong phiên giao dịch cuối tuần 9/6, mã VCB giữ được sắc xanh tăng 0,5% lên mức đỉnh lịch sử 100.500 đồng/cổ phiếu. So với vùng đáy hồi tháng 10/2022 thì mã chứng khoán này đã có bước tăng giá hơn 62%.
Thị giá vượt 3 chữ số cũng giúp vốn hóa Vietcombank nhảy vọt lên vùng đỉnh hơn 475.600 tỷ đồng (hơn 20,2 tỷ USD), cao gần gấp đôi đơn vị xếp phía sau là Vinhomes (gần 241.700 tỷ đồng) hay BIDV (gần 219.800 tỷ đồng), cũng như các tập đoàn khác Vingroup, PV Gas, ACV, Vinamilk.
Giá trị vốn hóa của ngân hàng quốc doanh hàng đầu Việt Nam đã có thể so sánh với các nhà băng lớn trên thế giới, bỏ xa Shinhan Bank (Hàn Quốc) và Sumitomo Mitsui (Nhật Bản), vừa vượt mặt ngân hàng lớn nhất nước Đức là Deutsche Bank (hơn 20 tỷ USD), hay đang tiệm cận Standard Chartered (Anh).
Đà tăng giá ấn tượng của Vietcombank đến sau nhiều thông tin hoạt động tích cực, gần nhất là việc được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tăng vốn điều lệ từ 47.325 tỷ đồng lên mức 55.891 tỷ đồng.
Theo đó, ngân hàng dự kiến phát hành hơn 856,5 triệu cổ phiếu tỷ lệ thực hiện quyền là 18,1%. Vietcombank sẽ trở thành nhà băng có vốn điều lệ lớn thứ hai trong ngành, xếp sau ngân hàng tư nhân VPBank.
Cổ đông của Vietcombank còn đón nhận thông tin có thể được nhận chuyển giao bắt buộc Ngân hàng TM TNHH MTV Xây dựng Việt Nam (CBBank) sau giai đoạn tái cơ cấu 8 năm của nhà băng gặp khó khăn này.
Việc nhận chuyển giao CBBank có thể giúp Vietcombank có điều kiện phát hành trái phiếu dài hạn, được dùng toàn bộ lợi nhuận sau trích quỹ để trả cổ tức bằng cổ phiếu tăng vốn và nhiều ưu đãi khác về không hợp nhất báo cáo, không trích lập dự phòng, bổ sung hạn mức tín dụng...
Vietcombank hiện là ngân hàng đứng đầu về các chỉ tiêu tài chính trong ngành. Tại cuối năm 2022, ngân hàng có tổng tài sản hơn 1,8 triệu tỷ đồng, dư nợ tín dụng hơn 1,15 triệu tỷ đồng và huy động vốn hơn 1,25 triệu tỷ đồng. Tổng lợi nhuận trước thuế hơn 37.300 tỷ đồng, nợ xấu được kiểm soát ở mức thấp chỉ 0,68%.
Báo cáo hợp nhất quý đầu năm ghi nhận lợi nhuận ngân hàng đã vượt trên 11.220 tỷ đồng, tăng gần 13% so với cùng kỳ. Vốn chủ sở hữu được mở rộng thêm hàng nghìn tỷ đồng lên mức lớn nhất ngành gần 144.700 tỷ đồng.