Kỹ năng chuyên môn là những hiểu biết kỹ thuật được hình thành từ nhiều năm học tập và kinh nghiệm thông qua các vị trí từng đảm nhận trong khi kỹ năng mềm thường được hiểu là kỹ năng giao tiếp giữa các cá nhân và khả năng lãnh đạo.
Đại dịch COVID-19 xảy ra đã thay đổi cách thức hoạt động của mọi công ty trên toàn thế giới. Theo Báo cáo e-Conomy SEA 2020 của Google, Temasek và Bain & Company, đại dịch đã mang đến một làn sóng áp dụng kỹ thuật số rất lớn và lâu dài cho Đông Nam Á, tạo ra những thay đổi trong các ngành như du lịch và khách sạn, ngân hàng, thương mại điện tử, hậu cần và các ngành khác.
Hiện nay, đổi mới áp dụng công nghệ là một trong những ưu tiên hàng đầu của mọi doanh nghiệp muốn phát triển bền vững. Việc triển khai các công cụ kỹ thuật số trong tiếp thị, quan hệ công chúng, nhập dữ liệu, phân tích, dịch vụ khách hàng, thanh toán, nhân sự đang phổ biến hơn bao giờ hết. Bên cạnh việc công nghệ đang tạo ra nhiều việc làm mới, động lực này cũng gây ra lo lắng cho thị trường lao động với sự phát triển vượt bậc của các lĩnh vực như robot, trí tuệ nhân tạo (AI) và máy học (ML). Để tạo ra ưu thế so với những lao động người máy, kỹ năng mềm được đánh giá là chìa khóa sức mạnh để con người không bị đào thải trong thị trường việc làm.
Kỹ năng mềm có thể sẽ là đánh giá ưu tiên
Trong khi các nhà tuyển dụng có thể dễ dàng đo lường kinh nghiệm chuyên môn của một ứng viên, kỹ năng mềm thực sự phức tạp và khó đánh giá hơn rất nhiều. Việc tìm kiếm một ứng viên đáp ứng đầy đủ cả kỹ năng cứng và kỹ năng mềm là vô cùng quan trọng với doanh nghiệp không chỉ trong hiện tại mà nhất là trong tương lai. Vì việc một ứng viên hội tụ đầy đủ cả hai loại kỹ năng sẽ giúp họ tiếp cận cân bằng và thích ứng với sự phát triển và mở rộng của công nghệ đang thay đổi bối cảnh việc làm. Nhất là khi, trong tương lai, kỹ năng cứng có thể sẽ không còn quá quan trọng tại một số công ty vì công nghệ tiên tiến đã và đang đảm nhận các công việc đòi hỏi ít đầu vào của con người.
Theo một báo cáo của Viện nghiên cứu McKinsey, tự động hóa rộng rãi sẽ dẫn đến sự dịch chuyển công việc, thay thế các nhiệm vụ lặp đi lặp lại, thủ công và nhận thức cơ bản. Do đó, nhiều công ty đang đào tạo lại kỹ năng cho công nhân của mình để giúp họ chuyển đổi sang các công việc khác mà công nghệ không thể dễ dàng thay thế. Theo đó, các kỹ năng mà lực lượng lao động trong tương lai (robot) không thể thay thế được bao gồm kỹ năng giao tiếp, giải quyết vấn đề, lãnh đạo, tư duy phản biện, hợp tác, khả năng thích ứng, quản lý thời gian, đồng cảm, thân thiện.
Nhìn chung, những kỹ năng này cho thấy doanh nghiệp sẽ đề cao các ứng viên tập trung vào mối quan hệ con người, bao gồm đồng nghiệp hay khách hàng.
Theo đó, một nghiên cứu khác của McKinseyđã cho thấy các công ty bắt đầu tập trung vào một nhóm kỹ năng, bao gồm kỹ năng xã hội, cảm xúc và nhận thức nâng cao. Sự quan tâm của lãnh đạo về việc thay đổi kỹ năng của nhân sự đã có tác động tích cực đến các công ty. Hiệu suất và sự hài lòng của nhân viên tăng lên, danh tiếng của người sử dụng lao động tăng lên và doanh nghiệp có nhiều khả năng đạt được mục tiêu kinh doanh của họ hơn.
Mặc dù công nghệ mang lại những lợi ích như tự động hóa, tăng năng suất,, v.v., vẫn có rủi ro là người lao động có thể trở nên quá phụ thuộc vào sức mạnh này. Công nghệ nên được sử dụng như một công cụ hỗ trợ công việc hơn là để công nghệ làm chủ công việc.
Lời khuyên cho các doanh nghiệp
McKinsey lưu ý rằng chương trình đào tạo lại kỹ năng cho người lao động của các doanh nghiệp có thể kết hợp các kỹ năng sử dụng công nghệ, từ đó cho phép nhân viên tập trung vào công việc có giá trị cao, bỏ qua các nhiệm vụ lặp đi lặp lại để tăng hiệu suất hơn trong công việc.
Trong thời đại kỹ thuật số, người lao động phải luôn sẵn sàng phát triển sang các vai trò mới, học các kỹ năng mới và duy trì sự tập trung vào việc giúp đỡ khách hàng. Về phía doanh nghiệp, các công ty sẽ phải chấp nhận đối mặt với thách thức về chi phí đào tạo lại kỹ năng cho người lao động để giúp họ sẵn sàng đổi mới chính mình trong thời đại mới.
Ngoài ra, các công ty nên xây dựng văn hóa học tập suốt đời, đánh giá từng nhân viên để có lộ trình đào tạo phù hợp, triển khai phương pháp học tập đa dạng và thiết kế linh hoạt các chương trình để phù hợp với toàn thể nhân viên.
Theo Tech Collective, nền kinh tế số của Đông Nam Á được dự đoán sẽ vượt mốc 300 tỷ USD vào năm 2026. Rõ ràng, quá trình chuyển đổi công nghệ của khu vực sẽ tiếp tục đặt ra những thách thức mới. Một công ty trong kỷ nguyên mới nên nắm bắt các xu hướng kỹ năng mà nhân sự cần có để theo kịp dòng chảy công nghệ. Bên cạnh đó, nhân viên cũng có trách nhiệm chủ động thích nghi nếu muốn có một lộ trình thăng tiến rộng mở trong thị trường việc làm tương lai.