Báo cáo 6 tháng đầu năm 2022 của Hiệp hội da giày - túi xách Việt Nam (LEFASO) cho thấy, sản xuất da giày tháng 07/2022 tăng nhẹ so với tháng 06/2022 với mức tăng 3,2%.
So với cùng kỳ năm trước, sản xuất da giày tháng 07/2022 tăng 25,5% và 7 tháng đầu năm 2022 tăng 15,1% so với 7 tháng đầu năm 2021.
Chỉ số sử dụng lao động ngành da giầy thời điểm tháng 07/2022 tăng 1,1% so với cùng kỳ tháng trước và tăng mạnh 21,6% so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu tăng 14,2%
Trong 6 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu da giày đạt 13,81 tỷ USD, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó xuất khẩu giày dép đạt 11,79 tỷ USD (tăng 13,3%) và valy, túi, cặp đạt 2,02 tỷ USD (tăng 20,0%) so với cùng kỳ năm 2021.
Đáng chú ý, xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI đạt 10,99 tỷ USD, chiếm 79,56% toàn ngành da giày- túi xách Việt Nam.
Mức xuất khẩu tăng mạnh nhất vẫn tại Bắc Mỹ (24,5 %), Châu Âu (15,7%) và Nam Mỹ (10,8%). Kim ngạch xuất khẩu giảm ở Châu Á (-6,0%) và tiếp tục giảm nhẹ ở Châu Đại Dương (-1,9%).
Hoa Kỳ vẫn là thị trường nhập khẩu da giày lớn nhất của Việt Nam, đạt trên 6,030 tỷ USD (23,8%), Bỉ quay lại là thị trường đứng thứ 2 đạt 866,6 triệu USD (21,6 %), Trung Quốc tụt xuống là thị trường đứng thứ 3 đạt 863,2 triệu USD (-20%).
Tốp 5 thị trường xuất khẩu da giày – túi xách lớn nhất của Việt Nam là Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc có giá trị tương ứng 6.029 triệu USD, 3.339 triệu USD, 863 triệu USD, 666 triệu USD và 380 triệu USD trong 6 tháng đầu năm 2022.
Với các thị trường có hiệp định tự do thương mại (FTA) với Việt Nam như EVFTA, CPTPP và UKVFTA, tiếp tục phản ánh sự phục hồi tích cực sau đại dịch Covid-19, con số xuất khẩu vẫn tăng trưởng mạnh lần lượt 18,2 %, 10,5% và 10,9 %.
Riêng thị trường EAEU (Liên minh kinh tế Á-Âu) do vẫn ảnh hưởng xung đột giữa Nga và Ucraine đã tạo ra một cuộc khủng hoảng rất lớn nên mức tăng trưởng sụt giảm rất mạnh (-57,7%). Còn khu vực ASEAN vẫn tiếp tục giảm nhẹ (-1,7%), trong đó xuất sang Thái Lan giảm mạnh nhất 27%, Indonesia giảm 8,9%.
Chiều ngược lại, 6 tháng đầu năm 2022, nhập khẩu thiết bị của ngành đạt 63,3 triệu USD (giảm -5,7%) và nhập khẩu da thuộc đạt 928,3 triệu USD (tăng 3,8%) so với cùng kỳ năm 2021. Điều này phản ánh đầu tư mới còn hạn chế sau đại dịch Covid-19.
Thách thức lớn cho cuối năm
Tại Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với các thị trường ngoài nước của Bộ Công Thương mới đây, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký LEFASO đánh giá, 6 tháng đầu năm dù đạt kết quả xuất khẩu khá tốt nhưng doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn lớn khi nguồn cung nguyên phụ liệu bị thiếu, gián đoạn do nguồn nguyên phụ liệu từ Trung Quốc cũng như một số nước xung quanh hạn chế.
Bên cạnh đó là thiếu nguồn lao động cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả sản xuất kinh doanh của ngành.
Không chỉ vậy, theo đại diện LEFASO, 6 tháng cuối năm ngành còn đối mặt với rất nhiều rủi ro nữa như lượng tồn kho đang rất lớn, từ giờ đến quý 1/2023 tình hình đơn hàng sẽ có phần chững lại.
Mặt hàng da giày dù ở mức trung bình của thế giới cả về chất lượng và giá cả nhưng để cạnh tranh được trên thị trường, theo bà Xuân, thời gian sắp tới, ngành cần nâng cao năng lực sản xuất các mặt hàng có giá trị cao hơn. Muốn vậy, nguồn nguyên liệu có giá trị cao cần nhập khẩu từ các nước.
Ngoài ra, với các thị trường có FTA với Việt Nam, bà Xuân cho rằng, chúng ta vẫn chưa tận dụng tốt cơ hội nhập khẩu nguồn cung thiếu hụt từ các thị trường này. Đơn cử, EU là thị trường có nguồn nguyên phụ liệu có giá trị cao phục vụ nhu cầu sản xuất giày dép ở mức độ cao hơn.
Mặt khác, các doanh nghiệp da giày cũng chưa tận dụng tốt cơ hội để nhập khẩu công nghệ, thiết bị mới trong bối cảnh hướng đến sản xuất bền vững, sử dụng công nghệ xanh và sạch.
Đặc biệt, bà Xuân thông tin, sắp tới, Đức ra đạo luật về nghĩa vụ thẩm định doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng, được áp dụng từ 1/1/2023. Đạo luật này sẽ tác động rất mạnh đến chuỗi sản xuất của ngành da giày khi xuất khẩu vào thị trường EU.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp mới chỉ nhận được thông tin sẽ áp dụng trong thời gian gần nhất, còn kế hoạch cụ thể triển khai như thế nào, doanh nghiệp phải đáp ứng những thủ tục gì thì đến thời điểm này thông tin còn rất thiếu.
Do đó, bà Xuân mong muốn, hệ thống thương vụ Việt Nam tại nước ngoài cung cấp thông tin thị trường một cách nhanh, chính xác nhất nhằm hỗ trợ doanh nghiệp ngành da giày kịp thời chuẩn bị cho kế hoạch sản xuất kinh doanh sắp tới.
Cùng với đó, thương vụ đẩy mạnh quảng bá sản phẩm da giày, lợi thế của Việt Nam khi tham gia các FTA để bạn hàng tiếp tục đặt niềm tin và đặt hàng của chúng ta.