Đây là trường hợp của anh Nguyễn Mạnh Cường, chủ thuê bao Viettel, chia sẻ với Zing sáng ngày 1/4 trong khi chờ được mở lại liên lạc tại chi nhánh của nhà mạng này trên đường Hoàng Quốc Việt (quận Cầu Giấy, Hà Nội).
Anh Mạnh Cường cho biết thuê bao của mình đăng ký thông tin chính chủ, đã sử dụng trong thời gian dài và đã cập nhật thông tin theo số căn cước công dân mới. Người dùng này cho biết thêm, khi nhận được thông báo yêu cầu chuẩn hóa thông tin thuê bao từ nhà mạng đã kiểm tra lại theo cú pháp “tttb” gửi 1414 và thấy vẫn chính xác, nhưng đến ngày 1/4 thì SIM bị khóa chiều gọi đi.
Khóa liên lạc một chiều là biện pháp của các nhà mạng áp dụng với các thuê bao chưa trùng khớp thông tin với Cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về dân cư sau ngày 31/3. Các thuê bao chính chủ nhưng đăng ký bằng số chứng minh thư cũ cũng thuộc diện phải chuẩn hóa và có thể bị khóa liên lạc nếu không tuân thủ.
Thực tế, thao tác kiểm tra “tttb” gửi 1414 chỉ để kiểm tra thông tin thuê bao được lưu trữ tại nhà mạng tương ứng, không thể hiện thông tin đó đã khớp với CSDLQG hay chưa, nguồn tin yêu cầu ẩn danh từ một nhà mạng chia sẻ với Zing. Trong khi đó, nhà mạng không trực tiếp đối soát thông tin thuê bao với CSDLQG, mà chỉ nhận kết quả từ cơ quan quản lý bộ dữ liệu xác định thuê bao nào chưa trùng khớp.
“Nếu người dùng đã cập nhật số căn cước mới, có thể vẫn còn một trường thông tin nào đó không trùng khớp, nhà mạng không được biết cụ thể là trường thông tin nào, mà chỉ nhận kết quả đối soát là thuê bao này chưa khớp, sau đó sẽ gửi yêu cầu đến khách hàng yêu cầu chuẩn hóa”, nguồn tin giải thích trường hợp nói trên.
“Các nhà mạng không được tiếp cận CSDLQG mà chỉ gửi thông tin và nhận lại các kết quả. Nếu dữ liệu có sai sót, sẽ được thông báo thuộc trường hợp sai định dạng hay dữ liệu không tồn tại”, theo đại diện VinaPhone.
Quy trình đối soát qua lại này cũng là một trong những khó khăn của các nhà mạng trước yêu cầu chuẩn hóa thông tin thuê bao cho trùng khớp với CSDLQG, theo chia sẻ của đại diện Viettel, VinaPhone và MobiFone tại cuộc họp ngày 14/3 tại Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) về quản lý thông tin thuê bao.
Ngược lại với trường hợp SIM chính chủ bị khóa, có những trường hợp thuê bao chưa chính chủ, nhưng không nhận được yêu cầu chuẩn hóa thông tin. Vì vậy, người dùng cần theo dõi tin nhắn thông báo từ nhà mạng để biết mình có phải chuẩn hóa thông tin hay không. Thông tin từ các nhà mạng Viettel, VinaPhone và MobiFone ngày 31/3 cũng lưu ý chỉ khóa liên lạc sau khi đã nhắn tin thông báo theo đúng quy định, 5 lần trong 5 ngày liên tiếp.