Bảo hiểm xã hội Việt Nam - thành viên Ban soạn thảo, đồng thời là cơ quan tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, vừa gửi phần góp ý vào dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đến Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
Trước đó, hồi cuối tháng 10, nhiều hiệp hội doanh nghiệp đã kiến nghị đến Ban soạn thảo dự án Luật một loạt nội dung liên quan đến vấn đề tuổi nghỉ hưu, trong đó có vấn đề tỷ lệ hưởng lương hưu bị trừ khi nghỉ trước tuổi.
Theo quy định hiện hành, với đối tượng đủ điều kiện nghỉ hưu thì cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi, người lao động sẽ bị trừ 2% tỷ lệ hưởng. Các hiệp hội cho rằng, việc trừ này không đảm bảo nguyên tắc có đóng có hưởng, đóng nhiều hưởng nhiều, và tỉ lệ trừ 2% là quá cao.
Vì thế, các hiệp hội đề xuất trường hợp người lao động đủ tuổi nghỉ hưu sớm (tối đa 5 tuổi thấp hơn so với tuổi nghỉ hưu) theo quy định và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội trên 20 năm thì được quyền về hưu.
Mỗi năm về hưu sớm sẽ bị trừ đi 1 tháng lương, hoặc cao nhất bị trừ không quá 1% tương ứng với 1 năm như Luật Bảo hiểm xã hội 2006.
Đối với đến đề xuất giảm tỷ lệ giảm trừ do người lao động nghỉ hưu sớm 5 năm trước tuổi từ 2%/năm xuống 1%/năm như kiến nghị của các hiệp hội doanh nghiệp, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo hết sức cân nhắc.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội hiện hành, tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa của Việt Nam là 75% tương ứng với thời gian đóng bảo hiểm xã hội là 30 năm đối với nữ, và 35 năm đối với nam.
Như vậy, tỷ lệ tích lũy (tỷ lệ hưởng lương hưu tương ứng với một năm đóng bảo hiểm xã hội) của Việt Nam hiện nay bình quân là 2,14% đối với nam, và 2,5% đối với nữ.
Do đó, khi người lao động nghỉ hưu trước tuổi quy định, thời gian đóng vào Quỹ ít đi, do dừng đóng sớm trước tuổi, trong khi thời gian hưởng từ quỹ tăng lên (trước khi đến tuổi) thì việc áp dụng tỷ lệ giảm trừ 2% cho mỗi năm nghỉ hưu sớm vẫn ít hơn tỷ lệ tích lũy nếu phải đóng thêm một năm.
Vì lẽ đó, quy định trừ 2% cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi cũng là tạo điều kiện cho người nghỉ hưu bị giảm trừ không nhiều.
“Việc giảm trừ tỷ lệ 2% này cũng là một trong những quy định để khuyến khích người lao động tiếp tục làm việc, tạo thu nhập và tham gia bảo hiểm xã hội, để mỗi năm đóng tiếp được tăng tỷ lệ tích lũy cao hơn”, Bảo hiểm xã hội Việt Nam nêu ý kiến.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng đề nghị Ban soạn thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) cân nhắc nâng mức trợ cấp một lần khi nghỉ hưu bằng mỗi năm một tháng lương, để bổ sung quyền lợi cho người lao động tham gia bảo hiểm xã hội trong thời gian dài.
Cũng phản hồi về kiến nghị cho người lao động trong một số nhóm ngành nghề được về hưu trước 5 năm so với tuổi nghỉ hưu theo quy định, ông Nguyễn Duy Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) – thành viên Ban soạn thảo cho biết, vấn đề tuổi nghỉ hưu đã được Trung ương bàn rất kỹ khi Chính phủ trình Đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.
Nghị quyết 28 được ban hành cũng đã quy định rõ nội dung này. Hơn nữa, khi trình sửa đổi Bộ luật Lao động năm 2019 , Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã cùng với các Bộ, ngành đánh giá rất kỹ.
Từ đó đưa ra lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu từ năm 2021 mỗi năm tăng thêm 3 tháng với lao động nam, tăng thêm 4 tháng với lao động nữ cho đến khi nam đạt 62 tuổi vào năm 2028 và nữ đạt 60 tuổi vào năm 2035.
“Đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu là với người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường. Còn đối với người lao động làm việc trong các môi trường nặng nhọc, độc hại, đặc biệt độc hại nguy hiểm, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn thì người lao động vẫn được nghỉ hưu trước tối đa 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu quy định”, ông Cường thông tin.
Cũng theo Phó Vụ trưởng Bảo hiểm xã hội, thực tế vấn đề giảm tuổi nghỉ hưu này Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã nhiều lần trả lời kiến nghị của các đơn vị, địa phương.
Tuy nhiên, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, rà soát để sửa đổi, bổ sung danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đối với một số nhóm như giáo viên mầm non, lao động trực tiếp…, trong đó có việc làm cơ sở xét điều kiện về tuổi hưởng lương hưu của người lao động.