Khái niệm AAA (Triple - A) được sử dụng để miêu tả những tựa game được đầu tư với ngân sách lớn. Từ khâu lên ý tưởng và phát triển cho đến những chiến dịch quảng bá đều rất tốn kém.
Những game AAA được cho là “bom tấn” khi ra mắt trên thị trường và luôn nhận được sự đón nhận nhiệt liệt. Vì vậy, mức giá niêm yết 60 USD cho những tựa game này được coi là đáng bỏ ra, nhưng các công ty đang âm thầm tăng giá game.
Âm thầm tăng giá game
Trước khi mức giá 60 USD được niêm yết, game được chia làm 2 loại là game tiêu chuẩn và game “cao cấp”. Vào thời điểm bùng nổ của máy chơi game SNES (được game thủ Việt Nam gọi với cái tên “bốn nút”), những tựa game tiêu chuẩn được bán với giá 40 – 50 USD.
Trong khi đó, những game cao cấp như Street Fighter II hay huyền thoại bắn súng Doom có giá khoảng 70 USD.
Mức giá tiêu chuẩn 60 USD cho các tựa game AAA bắt đầu phổ biến kể từ thế hệ của máy chơi game Xbox 360 và PlayStation 3 năm 2006.
Vào thời điểm đó, ngành công nghiệp game đã mất một khoảng thời gian để điều chỉnh với các nhà bán lẻ và cửa hàng bên thứ 3, giúp cộng đồng game thủ làm quen với mức giá mới này.
Tuy vậy, trong vài năm gần đây đã có những tin đồn về một đợt tăng giá trong toàn ngành nhằm đưa những tựa game bom tấn lên 70 USD. Có rất nhiều lập luận ủng hộ và phản đối điều này, nhưng dần dần, việc bán game với giá này đang trở nên bình thường.
Không có bất kỳ văn bản hay tuyên bố chính thức nào về việc tăng giá lên 70 USD cho những tựa game lớn. Động thái này dường như được các nhà phát hành âm thầm áp dụng. Cụ thể, vào năm 2020, "NBA 2K21" là game AAA đầu tiên được bán với mức giá 70 USD.
Cần lưu ý rằng, cho đến nay, mức giá 70 USD hầu như chỉ áp dụng cho các sản phẩm ra mắt trên thế hệ máy chơi game mới nhất là Playstation 5 và Xbox Series X, các tựa game tương tự thường rẻ hơn trên PC và các nền tảng khác.
Bom tấn "God of War: Ragnarok" được bán trên PlayStation 5 với giá 70 USD, nhưng phiên bản PlayStation 4 được niêm yết ở mức 60 USD.
Chi phí phát triển tăng cao
Trong vài năm qua, Microsoft, Sony và Nintendo đã báo hiệu rằng ngành công nghiệp game sẽ phải áp dụng mức giá cao hơn 60 USD. Các hãng này cho rằng giá cũ chỉ vừa đủ để trang trải chi phí phát triển và tiếp thị game vào năm 2018.
Theo biên tập viên Ben Gilbert từ Business Insider, so sánh với chi phí các nhà phát triển phải bỏ để tạo ra một tựa game chất lượng cao, mức giá 60 USD là một “món hời” đối với game thủ.
“Người chơi đang phải trả mức giá quá thấp để các công ty trang trải số tiền đổ vào phần lớn game bom tấn. Trong 5 năm tới, việc làm game sẽ tiếp tục trở nên đắt đỏ hơn khi chúng ngày càng phức tạp và có đồ họa họa cao cấp”, ông Gilbert viết.
Chi phí để làm ra một game, từ khâu đồ họa, thiết kế, lập trình, thử nghiệm và cuối cùng là quảng bá có thể lên tới hàng trăm triệu USD. "Cyberpunk 2077", được coi như một “thảm họa” của ngành công nghiệp game, có ngân sách phát triển lên tới hơn 300 triệu USD.
Hiện tại, cái tên đứng đầu trong danh sách những game phát triển đắt nhất trong lịch sử là Destiny. Riêng chi phí phát triển game là 140 triệu USD, còn phí quảng bá lên tới 360 triệu USD. Ngôi vị tiếp theo thuộc về Red Dead Redemption 2 với 370 triệu USD.
Người đứng đầu Microsoft Gaming Phil Spencer cho biết "đến một lúc nào đó chúng tôi sẽ phải tăng giá các trò chơi, nhưng tiêu chuẩn 60 USD vẫn được duy trì cho kỳ nghỉ lễ năm 2022”.
Năm 2022 chứng kiến "Modern Warfare 2", "The Callisto Protocol", "God of War: Ragnarok" và "Gotham Knights" ra mắt với giá 70 USD trên máy chơi game thế hệ mới nhất.
Theo tạp chí Kotaku, sẽ còn có nhiều trò chơi đắt tiền hơn sẽ ra mắt vào năm 2023. Các bom tấn như "Diablo 4", "Forspoken", "Dead Island 2", "Hogwarts Legacy" và "Starfield" đều được ra mắt với mức giá 70 USD trên tất cả nền tảng.
Các công ty đang cố gắng thay đổi nhận thức của công chúng về chi phí bán game. Điều này phản ánh mức độ phức tạp và chi phí sản xuất trò chơi điện tử ngày càng tăng, đồng thời cũng phản ánh xu hướng tăng giá nói chung.