Trong báo cáo của Counterpoint Research vừa được công bố, doanh số toàn ngành di động Việt Nam trong quý III tăng trưởng 34% so với cùng kỳ năm ngoái. Thực tế, con số này không phản ánh đúng tình hình thị trường bởi tham chiếu dùng để so sánh là giai đoạn đình trệ kinh doanh, không có hoạt động.
Cùng kỳ năm 2021, doanh thu bán lẻ di động trong nước giảm đến 28% so với quý III/2020. Đây là giai đoạn đỉnh điểm của dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam. Hàng loạt địa phương phải giãn cách trong nhiều tháng. Do đó, hầu hết hoạt động kinh doanh, thương mại đều đình trệ. Các hệ thống bán lẻ phải đóng cửa. Đồng thời, hoạt động mua hàng từ xa, thanh toán trực tuyến cũng khó áp dụng do vấn đề vận chuyển.
Do đó, mức tăng 34% của toàn ngành ở quý III không phản ánh được thực tế trên đà đi xuống của toàn thị trường di động trong nước. Con số tăng trưởng cao, tuy nhiên doanh thu vẫn thấp hơn giai đoạn trước đại dịch.
Theo báo cáo từ IDC, Counterpoint Research, đã 9 tháng thị trường di động Việt Nam không có tăng trưởng rõ ràng. Doanh số bán điện thoại thông minh trong nước ở quý III gần như đi ngang, tăng nhẹ 1,6% so với quý trước, đạt 3,2 triệu chiếc.
Theo nhận định của các chuyên gia, ảnh hưởng từ tình hình chung, giá bán thiết bị tăng và dự báo kinh tế không khả quan khiến người dùng cẩn trọng trong quyết định chi tiêu. “Doanh thu hiện tại thấp hơn nhiều so với giai đoạn trước dịch, quý III/2019. Nhu cầu người dùng bị ảnh hưởng bởi lạm phát cao và kịch bản kinh tế vĩ mô đi xuống”, IDC nhận định.
Ngoài ra, Việt Nam được Canalys đánh giá thuộc nhóm thị trường vốn mức độ nhạy cảm cao về giá. Do đó, biến động ở các sản phẩm giá rẻ có thể ảnh hưởng đến sức mua của khách hàng.
Trả lời Zing, quản lý cấp cao của một thương hiệu điện thoại thuộc nhóm dẫn đầu thị trường cho biết công ty phải vật lộn để giữ giá sản phẩm, tăng doanh thu và mở rộng thị phần. “Năm nay chúng tôi đang chịu lỗ hàng triệu USD ở Việt Nam”, vị này chia sẻ.
Trong khi đó, đại diện các hệ thống bán lẻ lớn nhận định toàn ngành đang bước vào giai đoạn khó khăn.
“Quý IV, thị trường tài chính nói riêng và nền kinh tế nói chung đều bước vào giai đoạn khó khăn với nhiều rủi ro khó lường, do ảnh hưởng từ lạm phát, lãi suất tăng và biến động tỷ giá. Điều này gây ảnh hưởng đến chi phí và dẫn đến sức mua giảm”, đại diện FPT Shop chia sẻ với Zing.
Trong cuộc họp cổ đông, lãnh đạo MWG (Thế Giới Di Động) cũng thông báo về kế hoạch tối ưu hoạt động tại các chuỗi hiện có, không mở thêm trong giai đoạn khó khăn.
Dữ liệu từ công ty phân tích thị trường GfK cho thấy trong 10 tháng đầu năm, toàn ngành di động Việt Nam tăng 15% doanh thu nhưng giảm 2% về số lượng.
“Năm ngoái, trong giai đoạn dịch bệnh các mẫu Android giá rẻ được tìm đến nhiều để phục vụ học tập, làm việc trực tuyến. Hiện tại, người dùng chủ yếu tìm mua điện thoại theo đúng nhu cầu, có giá cao hơn”, ông Nguyễn Lạc Huy, đại diện hệ thống CellphoneS nói.
Trên toàn ngành, Apple là thương hiệu kinh doanh tốt nhất. Họ tăng trưởng ở mức 2-3 chữ số xuyên suốt các quý. Đồng thời, giá bán cao của iPhone góp phần tăng doanh thu của cả thị trường khi số máy giảm.