Một nghiên cứu được công bố trên Psychological Bulletin cho thấy khoảng 15-20% người có thói quen trì hoãn. Tiêu biểu trong đó có 25% xem việc “nước đến chân mới nhảy” là một đặc điểm tính cách của họ.
Thực tế, sự trì hoãn không chỉ xảy ra trong bối cảnh công việc. Với mùa lễ hội đang đến gần, nhiều người phải đối mặt với xu hướng mua sắm phút chót trước ngày Giáng sinh.
Dù rơi vào trường hợp nào, liệu bạn đã nhận thức được lý do deadline (thời hạn cuối cùng để hoàn thành một hay nhiều công việc được giao) đến gần nhưng bản thân vẫn chưa chịu hoàn thành chúng?
Nguyên nhân
Nhà tâm lý học tích cực Niyc Pidgeon cho hay deadline là cần thiết vì chúng gây cảm giác cấp bách và căng thẳng tâm lý vừa đủ để thúc đẩy chúng ta làm việc. Vì vậy, nhiều người có xu hướng trì hoãn làm việc cho đến sát deadline.
Thông thường, có hai kiểu trì hoãn chính: chủ động và thụ động.
Juulia Karlstedt, tham vấn viên cho hay những người trì hoãn chủ động chủ yếu sử dụng áp lực của thời gian để thúc đẩy bản thân làm việc và phát triển hơn nữa.
Ngược lại, người trì hoãn thụ động mỗi khi đối mặt với thời hạn cận kề thường trở nên trì trệ, thậm chí "tê liệt" không biết phải xử lý công việc ra sao.
Khi cảm thấy công việc quá khó, tốn thời gian hay gây khó chịu, nhiều người cũng chọn dồn việc đến gần sát hạn hoàn thành. Có thể nói họ lảng tránh làm việc để giảm bớt sự không thoải mái.
Tuy nhiên, kết quả không phải lúc nào cũng thuận lợi bởi càng về sau, sự sợ hãi và lo lắng sẽ càng tăng lên. Lúc này, bạn tích tụ số lượng lớn adrenaline - một loại hormon được sản xuất khi bạn cảm thấy sợ hãi, tức giận hay thích thú.
Ảnh hưởng
Wendy Dignan, nhà tâm lý học, tiết lộ rằng hoàn thành công việc vào phút cuối và nhấn gửi bài ngay trước khi hết hạn nộp có thể đem lại “cơn sốt adrenaline” (adrenaline buzz) - hiện tượng ít xảy ra khi bạn chia nhỏ và từ từ hoàn thành công việc.
Chính cơn sốt này khiến chúng ta khó loại bỏ hoàn toàn những hành vi trì hoãn.
Nhiều người còn cho rằng bản thân làm việc tốt nhất dưới áp lực và cố gắng củng cố quan điểm này bằng cách tìm kiếm những lần thành công xoay sở công việc sát nút deadline.
Tuy nhiên, thường xuyên áp dụng suy nghĩ này để đối phó công việc sẽ chỉ thu nhỏ khả năng thoát khỏi sự trì hoãn.
Chưa kể, ngay cả khi bạn thuộc vào dạng trì hoãn chủ động, việc tiếp xúc lâu dài với lo lắng và căng thẳng cũng sẽ khiến bạn rơi vào trạng thái trì hoãn thụ động. Do đó, thay vì cảm nhận được động lực làm việc, bạn chậm chạp và kém năng suất hơn mỗi khi đối mặt với các nhiệm vụ được giao.
Ngoài ra, có một số đặc điểm tính cách cho thấy một người có thiên hướng "lùi việc" hơn hẳn những người khác. Những người thường xuyên lo âu, tự chỉ trích bản thân hay theo đuổi chủ nghĩa hoàn hảo có khả năng trì hoãn cao hơn. Karlstedt giải thích rằng các cá nhân luôn muốn đạt thành tích cao đặc biệt chật vật với những khó khăn trên và chọn trì hoãn vì hoang mang với quá nhiều kỳ vọng đặt ra.
Lòng tự trọng thấp hay tự ti cũng có thể là nguyên nhân sâu xa của lùi việc cận deadline. Nếu ở trong tâm trạng không đủ tốt, bạn không sẵn sàng bắt tay vào làm việc. Khi đó, bạn chỉ có động lực khi cảm thấy bị đe dọa bởi hậu quả của việc không làm xong việc đúng hạn, Dignan bổ sung.
Giải quyết sự trì hoãn
Để vượt qua “cơn nghiện” làm việc phút chót, Dignan đề xuất áp dụng quy tắc 2 phút. Điều này có nghĩa là nếu bạn có thể hoàn thành công việc bất kỳ trong 2 phút, hãy bắt đầu làm ngay lập tức.
Một mẹo khác bà hay giới thiệu cho thân chủ của mình là sử dụng đồng hồ cát.
Một khi trì hoãn, họ phải lật ngược chiếc đồng hồ lại và cố gắng hoàn thành công việc dang dở cho đến khi cát chảy hết. Thông thường, khi làm việc gì đó được 5 phút, họ sẽ tiếp tục đến khi làm xong hoàn toàn.
Thực tế, bạn khó có thể loại bỏ hoàn toàn xu hướng trì hoãn. Dù vậy, bạn vẫn cần cố gắng cân nhắc lợi, hại của hành vi này để đảm bảo hiệu quả làm việc.
Bên cạnh đó, tạo sự cân bằng giữa mong muốn cá nhân và lợi ích công việc mang lại giúp bạn làm việc nhanh chóng và đúng hạn hơn. Trong tâm lý học tích cực, đây được xem là lựa chọn giúp tư duy phát triển, tập trung nhiều vào quá trình nhiều hơn là kết quả nhận về.