Bộ Giao thông vận tải vừa có Công văn số 1889/BGTVT-KHĐT gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc đầu tư xây dựng tuyến đường Bắc Kạn – Cao Bằng.
Chưa cân đối được vốn đầu tư công trung hạn
Theo Bộ Giao thông vận tải, tỉnh Bắc Kạn thuộc vùng Trung du miền núi phía Bắc, điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn và là tỉnh nằm sâu trong nội địa, không có cửa khẩu, không có đường biên giới.
Việc kết nối giao thông đến tỉnh Bắc Kạn hiện nay chỉ thông qua duy nhất bằng phương thức vận tải đường bộ chủ yếu qua các tuyến Quốc lộ 3 và Quốc lộ 279, do đó, cần tiếp tục ưu tiên đầu tư các tuyến giao thông tốc độ cao, hiện đại kết nối với tỉnh Bắc Kạn.
Vì vậy, dự án đường cao tốc Bắc Kạn – Cao Bằng được đầu tư xây dựng sẽ kết nối Bắc Kạn với các cửa khẩu quan trọng của tỉnh Cao Bằng như: Trà Lĩnh, Tà Lùng và tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc; đồng thời, liên thông với tuyến cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh, tạo hành lang phát triển kinh tế để kết nối Bắc Kạn với các tỉnh vùng Trung du miền núi phía Bắc.
Từ đó, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh và hướng tới hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Cùng với đó, tuyến đường được đầu tư xây dựng sẽ từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch mạng lưới đường bộ đã được phê duyệt, phát huy hiệu quả khai thác các tuyến cao tốc: Thái Nguyên – Chợ Mới – Bắc Kạn, Đồng Đăng – Trà Lĩnh và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Vì vậy, việc nghiên cứu đầu tư tuyến cao tốc Bắc Kạn – Cao Bằng có cơ sở.
Tuy nhiên, theo Bộ Giao thông vận tải, hiện nay, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 bố trí cho Bộ Giao thông vận tải đã cân đối đầu tư cho các dự án chuyển tiếp, các tuyến cao tốc cấp bách nên không thể cân đối đầu tư tuyến cao tốc này trong giai đoạn đến năm 2025.
Dù vậy, "Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến cao tốc Bắc Kạn – Cao Bằng, dài 90km, quy mô 4 làn xe, lộ trình đầu tư sau năm 2030; quy hoạch cũng xác định, trường hợp địa phương huy động được nguồn lực sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho đầu tư sớm hơn", Bộ Giao thông vận tải nêu rõ.
Do đó, Bộ Giao thông vận tải đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát nhu cầu đầu tư, khả năng cân đối nguồn lực của địa phương và khả năng hỗ trợ nguồn vốn ngân sách trung ương tham gia đầu tư.
Trường hợp xác định được nguồn vốn đầu tư, nhu cầu đầu tư, đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho đầu tư sớm hơn.
Trong khi chưa có điều kiện đầu tư tuyến cao tốc Bắc Kạn – Cao Bằng, Bộ Giao thông vận tải sẽ chỉ đạo Cục Đường bộ Việt Nam có kế hoạch bảo trì, sửa chữa Quốc lộ 3 kết nối tỉnh Bắc Kạn và tỉnh Cao Bằng để đảm bảo điều kiện đi lại, vận tải thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
"Nút thắt" hạ tầng giao thông cản trở Bắc Kạn, Cao Bằng phát triển
Trước đó, UBND tỉnh Bắc Kạn từng có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương thực hiện dự án tuyến đường Bắc Kạn - Cao Bằng và bố trí vốn để triển khai dự án với quy mô 4 làn xe, tốc độ tối thiểu 100 km/h và phân kỳ đầu tư thành 2 giai đoạn.
Trong đó, giai đoạn 1 triển khai ngay trong giai đoạn 2023 - 2025 bao gồm các hạng mục: hoàn thiện công tác giải phóng mặt bằng toàn dự án, hoàn thiện công trình cầu đủ quy mô 4 làn xe, xây dựng phần đường từ nguồn tăng thu của ngân sách trung ương và các nguồn vốn khác có thể bố trí.
Sau đó, giai đoạn 2 năm 2026 - 2027 sẽ triển khai các khối lượng còn lại, sau khi địa phương bố trí vốn đối ứng phù hợp với khả năng cân đối ngân sách của địa phương.
Theo lý giải của tỉnh Bắc Kạn, mặc dù đã được quan tâm đầu tư, tuy nhiên đánh giá chung về kinh tế của tỉnh Bắc Kạn vẫn còn nhiều khó khăn. Quy mô nền kinh tế còn nhỏ, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch và sản xuất, chế biến nông lâm sản.
Nguyên nhân là do điều kiện địa hình khó khăn, dân cư phân tán, sản xuất chủ yếu là nông, lâm nghiệp với giá trị thấp.
"Đặc biệt, kết cấu hạ tầng giao thông còn yếu và thiếu, giao thông đối ngoại chính của tỉnh là các tuyến quốc lộ kết nối chưa thuận lợi với các cảng, cửa khẩu quốc tế", UBND tỉnh Bắc Kạn nhìn nhận.
Hiện tại, kết nối Thủ đô Hà Nội, tỉnh Thái Nguyên, tỉnh Bắc Kạn với tỉnh Cao Bằng chủ yếu qua tuyến Quốc lộ 3 đã được xây dựng từ lâu, nền đường hẹp, nhiều cong cua, thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông, không đáp ứng được nhu cầu vận tải hàng hóa, là nút thắt lớn trong việc phát triển kinh tế giữa hai tỉnh Bắc Kạn và Cao Bằng cũng như cả khu vực.
Cùng với đó, đoạn tuyến từ thành phố Bắc Kạn đến thành phố Cao Bằng đến nay chưa được đầu tư nên hạ tầng giao thông kết nối liên vùng chưa hoàn thiện, làm hạn chế khả năng phát huy thế mạnh của mỗi địa phương.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Cao Bằng cũng có văn bản cam kết thực hiện công tác giải phóng mặt bằng trong phạm vi địa giới hành chính của tỉnh theo quy định, đảm bảo tiến độ triển khai dự án, đồng thời phối hợp với UBND tỉnh Bắc Kạn để giải quyết các công việc liên quan đến quá trình đầu tư và khai thác dự án.
Với những ý nghĩa, vai trò quan trọng của tuyến đường, để tháo gỡ điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực phát triển, UBND tỉnh Bắc Kạn và UBND tỉnh Cao Bằng đều có các văn bản thống nhất đề xuất để triển khai thực hiện tuyến đường Bắc Kạn - Cao Bằng trong giai đoạn 2021 - 2025 có tổng chiều dài tuyến khoảng 90 km, kinh phí đầu tư khoảng 9.600 tỷ đồng.