Đầu tháng 4, Tim Cook đến Ấn Độ mở cửa hàng Apple đầu tiên, sau đó được chào đón như một người hùng. Chuyến thăm mới nhất của vị Giám đốc điều hành này đã cho thấy sự quan tâm ngày càng lớn đối với Ấn Độ của các tập đoàn toàn cầu - những người muốn giảm bớt sự lệ thuộc vào một quốc gia duy nhất.
Chỉ vài ngày sau chuyến đi mang tính bước ngoặt, Pret A Manger, chuỗi cửa hàng bánh sandwich thời thượng của Anh, cũng cửa hàng đầu tiên tại thủ đô thương mại Mumbai vì muốn đặt cược vào ‘túi tiền’ của tầng lớp trung lưu.
Theo CNN, Ấn Độ sẽ vượt Trung Quốc trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới, theo tính toán của Liên Hợp Quốc. Cột mốc này được cho là sẽ củng cố ngày càng đẹp hình ảnh Ấn Độ - ‘con cưng’ của nền kinh tế toàn cầu, trong bối cảnh lãnh đạo phương Tây tìm cách thúc đẩy hợp tác kinh tế với các quốc gia có chung giá trị.
Theo Partha Sen, giáo sư tại Trường Kinh tế Delhi, trước đây, nhiều quốc gia và công ty “đặt hết trứng vào giỏ Trung Quốc”. Tuy nhiên, căng thẳng địa chính trị Mỹ-Trung khiến họ ‘quay xe’ và đa dạng hoá chuỗi cung ứng vào Ấn Độ.
Các chuyên gia cho rằng, tiềm năng tăng trưởng kinh tế nhờ lượng lớn dân số trong độ tuổi lao động là vô cùng nhiều. Thị trường tiêu dùng rộng lớn cùng nguồn lao động giá rẻ cũng đang thu hút sự chú ý từ các thương hiệu và đối tác thương mại toàn cầu.
Trong nỗ lực thúc đẩy lĩnh vực công nghiệp và nâng cao xuất khẩu, chính phủ Ấn Độ đã tìm cách ký kết các hiệp định thương mại tự do - động thái được đón nhận nồng nhiệt trên khắp thế giới. Cụ thể, kể từ năm 2021, Ấn Độ đã ký thỏa thuận với Úc, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Mauritius. Nó cũng đang đàm phán các thỏa thuận với Liên minh châu Âu, Vương quốc Anh và Canada.
Bên cạnh đó, Mỹ và Ấn Độ trong những tháng gần đây còn tăng cường quan hệ hợp tác trong một số lĩnh vực, bao gồm quốc phòng, công nghệ, trí tuệ nhân tạo, chất bán dẫn…
Vào tháng 2, Air India đã mua hơn 200 máy bay từ Boeing (BA). Tổng thống Joe Biden sau đó đã có bài phát biểu ca ngợi “sức mạnh quan hệ đối tác kinh tế Mỹ-Ấn”: “Cùng với Thủ tướng Modi, tôi mong muốn tăng cường quan hệ đối tác hơn nữa trong bối cảnh chúng ta đang phải đối mặt với những thách thức toàn cầu chung”.
Một tháng sau, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo đến thăm New Delhi cùng với một nhóm các giám đốc điều hành cấp cao. Tại đây, bà ký một thỏa thuận với các nhà lãnh đạo Ấn Độ, thảo luận về việc phối hợp đầu tư vào ngành công nghiệp bán dẫn.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF kỳ vọng quốc gia Nam Á sẽ vượt trội so với tất cả các nền kinh tế lớn mới nổi và tiên tiến trong năm nay với mức tăng trưởng GDP 5,9%. Để so sánh, nền kinh tế Đức và Anh được cho là trì trệ, trong khi Mỹ chỉ tăng trưởng 1,6%.
Do đó, nếu có thể duy trì đà phát triển, Ấn Độ sẽ vượt qua Đức trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới vào năm 2026, sau đó đánh bật Nhật Bản khỏi vị trí thứ ba vào năm 2032, theo phân tích của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh.
Dân số trong độ tuổi lao động của Ấn Độ rơi vào khoảng hơn 900 triệu người, theo dữ liệu năm 2021 từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế. Theo Capital econom, trong vài năm tới, lực lượng lao động trên có thể lớn hơn cả Trung Quốc.
“Chúng tôi muốn trở thành một phần trong phép màu kinh tế của các bạn,” Donald Lu, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ chuyên phụ trách các vấn đề Nam và Trung Á, chia sẻ với hãng thông tấn PTI của Ấn Độ.
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng dân số và GDP ấn tượng của Ấn Độ, mặt khác, lại đang khiến nước này đau đầu. Theo Kaushik Basu, giáo sư kinh tế tại Đại học Cornell, nếu nhìn vào dữ liệu tổng thể, nền kinh tế Ấn Độ đang hoạt động khá tốt, song nếu nhìn đa chiều hơn, nước này đang gặp khó khăn trong việc tạo ra việc làm.
Ở mức 7,1%, tỷ lệ thất nghiệp tại đây vẫn cao hơn mức trung bình trước đại dịch. Vấn đề việc làm, vốn được cho là ‘quả bom hẹn giờ’, đang là một trong những nút thắt lớn của Ấn Độ và có thể trở nên trầm trọng hơn khi dân số tăng lên.
Để giải quyết bài toán này, các chuyên gia gợi ý Ấn Độ nên xây dựng nhiều nhà máy hơn. Tính đến năm 2021, ngành sản xuất chiếm chưa đến 15% nền kinh tế Ấn Độ — tỷ lệ tương đối nhỏ so với tiêu chuẩn toàn cầu, chuyên gia Shah từ Capital Economics lưu ý.
May mắn thay, vấn đề này đang dần được cải thiện khi các tập đoàn lớn tìm kiếm trung tâm sản xuất mới. Apple là ví dụ điển hình.
Được biết, nỗ lực của Apple nhằm chuyển dây chuyền lắp ráp ra ngoài Trung Quốc đã trở nên cấp bách hơn trong 5 năm trở lại đây, khi căng thẳng thương mại Mỹ-Trung gia tăng còn chuỗi cung ứng gặp nhiều gián đoạn sau COVID-19. Nhà sản xuất iPhone theo đó phải giảm quy mô tại Trung Quốc dù điều này ảnh hưởng phần lớn đến lợi nhuận.
“Ấn Độ có thể lặp lại vai trò của Trung Quốc trong suốt 15 năm qua: Một thị trường rộng lớn với tầng lớp trung lưu mở rộng, qua đó thúc đẩy doanh số bán hàng và hình thành cơ sở sản xuất hàng triệu thiết bị Apple”, tờ CNBC nhận định.
Theo dữ liệu từ IDC, Ấn Độ là thị trường điện thoại thông minh lớn thứ hai thế giới nếu xét về doanh số hàng năm, chiếm gần 12% thị trường toàn cầu. Apple đã phân phối 6,7 triệu chiếc iPhone vào năm 2022 từ Ấn Độ - quốc gia đang đứng ở vị trí thứ sáu sau Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Anh và Đức về số lượng các lô hàng iPhone toàn cầu vào năm 2022.
“Sự gia tăng dân số và cơ hội thuần túy trên khắp Ấn Độ chính là con gà đẻ trứng vàng cho Apple”, Dan Ives, nhà phân tích tại Wedbush Securities, nói. “Thị trường này vốn khó phát triển song giờ đây đang cho thấy những bước tiến của mình”.
Theo CNBC, Ấn Độ sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất các sản phẩm phức tạp như MacBook. Các sản phẩm nhỏ gọn hơn như đồng hồ thông minh và AirPods cũng sẽ sớm được sản xuất tại Ấn Độ. “Delhi và Mumbai chiếm gần 1/4 thị trường của Apple ở Ấn Độ”, Singh nói, đồng thời cho biết nhiều cửa hàng sẽ có thể được mở vào giữa năm 2024.
“Khi bạn nhìn vào Ấn Độ ngày nay, nó rất giống với Trung Quốc 15 hoặc 20 năm trước”, Angelo Zino, nhà phân tích cấp cao của CFRA Research, nói. “Hiệu ứng của cải tự nhiên theo thời gian sẽ giúp Apple thâm nhập và nhìn ra tiềm năng doanh thu tại Ấn Độ”.
Ngoài Apple, Foxconn cũng đặc biệt lưu tâm Ấn Độ. Đây là một trong những nhà sản xuất phát triển nhanh nhất tại quốc gia này vào cuối năm ngoái và đang tìm cách mở rộng quy mô hoạt động.
Dẫu vậy, theo nhiều chuyên gia, sự phụ thuộc của nhà sản xuất iPhone vào đại lục vẫn sẽ còn kéo dài, cụ thể là trong 1 thập kỷ tới, theo Martin Yang, nhà phân tích cấp cao về công nghệ mới nổi tại Oppenheimer & Co.
“Tất cả những thông tin mà bạn đang nghe về Ấn Độ đều rất tuyệt. Theo quan điểm của chúng tôi, đó là một cơ hội lớn trong thập kỷ tới, tuy nhiên, đừng mong đợi mọi thứ thay đổi chỉ sau một đêm”, ông Angelo Zino, nhà phân tích cấp cao của CFRA Research nói.
Ngoài ra, hy vọng trở thành ‘công xưởng toàn cầu’ của Ấn Độ được nhận định là có phần bất khả thi, bởi Trung Quốc trước nay vẫn là nút thắt quan trọng trong các dây chuyền sản xuất. Tham vọng có thể cung cấp hệ thống cơ sở hạ tầng tích hợp như cảng lớn, đường cao tốc, lao động chất lượng hàng đầu, hay logistics hiện đại, dường như là bài toán mà Ấn Độ rất khó có thể tìm ra lời giải thỏa đáng.