Kết thúc phiên giao dịch ngày 4/11 trên sàn New York, giá của mỗi ounce vàng tăng 52,1 USD lên 1682,7 USD.
Nói với Zing, chuyên gia quốc tế cho rằng giá vàng tăng vọt nhờ đồng USD yếu đi sau báo cáo việc làm của Mỹ. "Lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ và đồng USD đều quay đầu giảm sau khi Phố Wall tiêu thụ thông tin về thị trường lao động", ông Edward Moya - nhà phân tích cấp cao tại OANDA (có trụ sở ở Mỹ) - bình luận với Zing.
Theo Trading Economics, chỉ số USD - đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh với các tiền tệ khác - đã trượt xuống mức 110,7 điểm, giảm gần 2% so với một ngày trước đó.
Báo cáo quan trọng của Mỹ
Theo báo cáo được Bộ Lao động Mỹ công bố hôm 5/11, tăng trưởng việc làm vẫn mạnh hơn dự kiến bất chấp các đợt tăng lãi suất liên tiếp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
"Ban đầu, thông tin này đã khiến lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm vọt lên mức cao nhất trong nhiều năm, còn giá vàng rớt mạnh. Tăng trưởng việc làm và tiền lương vẫn cao, có thể khiến Fed đưa lãi suất cuối cùng lên 5,25%", ông Moya giải thích.
Thu nhập trung bình tính theo giờ của người Mỹ đã tăng 4,7% so với một năm trước, và tăng 0,4% so với tháng 9. Tăng trưởng tiền lương có khả năng tạo sức ép lên lạm phát.
Nhưng đà tăng của đồng USD đã đảo chiều khi Phố Wall tiêu thụ thông tin. Dù tăng trưởng việc làm mạnh hơn dự kiến, đây vẫn là tốc độ chậm nhất kể từ tháng 12/2020.
Đáng nói, tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 3,7%, cao hơn mức dự kiến 3,5%. "Đã có một số dấu hiệu cho thấy thị trường việc làm đang hạ nhiệt", bà Elise Gould - nhà kinh tế cấp cao tại Viện Chính sách Kinh tế - nhận xét với CNBC.
"Fed dường như đã đi đúng hướng trong cuộc chiến chống lạm phát. Điều đó sẽ dẫn đến việc nền kinh tế yếu hơn vào đầu năm tới", ông Moya bình luận.
Fed đã đi đúng hướng?
Trong cuộc họp chính sách ngày 2/11 (theo giờ địa phương), Fed đã quyết định tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm, đưa lãi suất quỹ liên bang lên 3,75-4%, mức cao nhất kể từ tháng 1/2008.
Như vậy, ngân hàng trung ương Mỹ tăng lãi suất điều hành tổng cộng 3,75 điểm phần trăm kể từ đầu năm. Trong cuộc họp chính sách tháng 6, tháng 7 và tháng 9, Fed đều tăng lãi suất 75 điểm cơ bản.
Tại họp báo sau cuộc họp chính sách, Chủ tịch Fed Jerome Powell tiết lộ mức lãi suất cuối cùng (của chu kỳ tăng lãi suất) có khả năng cao hơn dự kiến. Nhưng ông khẳng định có thể sẽ đến lúc phải giảm tốc độ tăng lãi suất.
Fed dường như đã đi đúng hướng trong cuộc chiến chống lạm phát. Điều đó sẽ dẫn đến việc nền kinh tế yếu hơn vào đầu năm tới
Chuyên gia tài chính Edward Moya
"Chúng ta đang đi tới thời điểm đó. Nó có thể xảy ra vào ngay cuộc họp tiếp theo, hoặc cuộc họp sau đó", chủ tịch Fed nói thêm.
Để kìm hãm lạm phát, Fed buộc phải làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế và việc làm.
Thông báo hôm 2/11 của Fed cũng khẳng định các quyết định trong tương lai sẽ tính đến "tổng mức thắt chặt tiền tệ, độ trễ của tác động lên hoạt động kinh tế và lạm phát, tình hình kinh tế, tài chính".
"Độ trễ của tác động từ việc Fed thắt chặt chính sách khiến giới đầu tư tin rằng ngân hàng trung ương Mỹ đã chọn giảm tốc độ tăng lãi suất, và sau đó sẽ quyết định thời điểm kết thúc chu kỳ", ông Moya nhận định.
Ông cho rằng nếu báo cáo được công bố vào tuần tới chỉ ra lạm phát tại Mỹ đã hạ nhiệt, giá vàng có khả năng tăng lên mốc 1.700 USD/ounce.
Lãi suất chuẩn tăng cao làm giảm sức hấp dẫn của vàng thỏi, vốn không được trả lãi, và thúc đẩy đồng USD. Điều này đồng nghĩa rằng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng tăng lên, khiến lực bán lấn át lực mua trên thị trường kim loại quý.
Ngoài ra, đồng USD mạnh lên cũng đồng nghĩa với việc số USD cần để mua một ounce vàng giảm đi.