Lindsay và Ryan Esbjerg đã nghỉ việc và quyết định kinh doanh trên Poshmark - một trang thương mại điện tử của Mỹ. Hai vợ chồng đã mở cửa hàng RNZY, chuyên “resell” giày (bán lại những đôi giày hiếm, khó mua với mức giá cao hơn). Cửa hàng có 150.000 người theo dõi trên Poshmark và bán được trung bình 500 đơn hàng mỗi tháng. Với 19.000 đôi giày được bán ra, Lindsay và chồng đã thu về lợi nhuận mười con số.
Từ năm 2013 đến năm 2015, Lindsay làm quản lý tại cửa hàng Bath & Body Works ở thành phố Burlington, bang Vermont, Mỹ. Sau khi chuyển đến tiểu bang Maine vào năm 2015, Lindsay bắt đầu quản lý bán hàng và tiếp thị cho một doanh nghiệp gia đình - chuyên tái chế những cánh buồm đã qua sử dụng thành túi xách.
Vào tháng 6 năm 2017, Lindsay chia tay công việc tại công ty gia đình và bắt đầu hành trình kinh doanh bán lại với Ryan. Cô đã bán một số đồ gia dụng vào thời điểm đó, nhưng không kiếm được bao nhiêu. Ryan đã rời bỏ công việc tại khách sạn Marriott ở Portland để dành toàn thời gian kiếm tiền “tại nhà” cùng vợ.
Ban đầu, hai vợ chồng quyết định kinh doanh bán lại đồ cũ trên Facebook Marketplace trong vài tháng đầu tiên. Họ đã bán lại quần áo, giày dép, máy pha cà phê, nến,..tất cả những gì có thể sử dụng được và hỗ trợ giao hàng tận nơi trong phạm vi 50 dặm quanh thành phố Portland.
Vào tháng 9 năm 2017, Lindsay và Ryan bắt đầu kinh doanh trên nền tảng Poshmark. Khi thấy phần đông mọi người trên Instagram sử dụng sàn thương mại điện tử này, họ nghĩ rằng đây sẽ là một thị trường tuyệt vời để thử nghiệm.
Khởi điểm, hai vợ chồng bán giày và quần áo nhưng họ nhanh chóng chuyển sang “resell” (bán lại) các đôi giày hiếm trên thị trường. Giày được resell thường là những đôi được bán lại với giá cao hơn dựa trên các yếu tố như số lượng phát hành, giá trị sưu tập, thiết kế, chất lượng và độ “hot” của nó.
Lindsay và Ryan nhận ra họ thích toàn bộ quá trình bán lại này- từ việc tìm nguồn cung ứng, vệ sinh giày, chụp ảnh quảng cáo, sắp xếp đơn và vận chuyển hàng. Tất cả các mặt hàng khác đều có lãi, nhưng hai vợ chồng có niềm đam mê với “resell giày” hơn.
Họ tìm nguồn giày ở các cửa hàng đồ “secondhand” như Goodwill, Savers, Salvation Army và Plato's Closet trên khắp New England. 90% giày họ bán là hàng đã qua sử dụng, nhưng thỉnh thoảng cũng có một số đôi còn mới. Sàn giao dịch điện tử Poshmark rất dễ thiết lập và sử dụng. Trong vòng vài tháng, nó đã trở thành nền tảng kiếm tiền số 1 của Lindsay và Ryan.
Vào năm 2021, hai vợ chồng đã có doanh thu lên tới 218.000 USD (hơn 5,1 tỷ đồng) nhờ Poshmark. Tổng doanh thu kể từ khi họ bắt đầu kinh doanh là hơn 775.000 USD (hơn 18,3 tỷ đồng).
Poshmark tính phí 2,95 USD cho doanh số bán hàng dưới 15 USD và 20% cho doanh số bán hàng trên 15 USD. Facebook Marketplace cũng tính phí 5%. Tuy nhiên trung bình, với mỗi cặp giày, họ lãi gấp 4 lần sau khi tính phí dịch vụ và phí vận chuyển nên các loại phí duy trì nền tảng không phải vấn đề với họ.
Lindsay và chồng đã có thể kiếm đủ tiền để thanh toán hóa đơn và dần dần mở rộng quy mô. Khó khăn nhất của họ là lập ngân sách chi tiêu hợp lý để cân bằng giữa tiền vốn xoay vòng và tiền sinh hoạt.
Để có được thành công như ngày hôm nay, hai vợ chồng đã chia nhau phụ trách công việc mà mình giỏi nhất. Cả hai đã đi vòng quanh New England để mua giày tại các cửa hàng đồ cũ. Ryan chủ yếu lo việc dọn dẹp và chụp ảnh sản phẩm. Còn Lindsay lo các danh mục sản phẩm và kế toán. Cả hai vợ chồng cùng nhau đóng hàng và vận chuyển vào mỗi buổi sáng. Họ thường làm việc ở tầng hầm và nhà để xe.
Khi quy mô lớn hơn, họ đã có 4 nhân viên phụ trách vệ sinh giày và chụp ảnh quảng cáo. Để cân đối chi phí họ thường thuê nhân viên làm việc bán thời gian.
Lindsay và Ryan không có nhiều hoạt động tiếp thị cho công việc kinh doanh của mình. Họ chỉ cập nhật các mẫu mã mới để thu hút khách hàng, sau đó đi tìm nguồn cung ứng phù hợp. Một khía cạnh của Poshmark mà họ ước nền tảng sẽ cải thiện là có thể chia sẻ tất cả mặt hàng lên trang chủ để thu hút nhiều sự chú ý hơn.
Bên cạnh đó, công cụ mà Poshmark cung cấp rất hữu ích. Ví dụ người mua có thể gộp các mặt hàng lại với nhau để tiết kiệm chi phí vận chuyển. Hay người mua có thể ấn "thích" các đôi giày mà họ ưng ý. Từ đó Lindsay và Ryan có thể nhanh chóng gửi ưu đãi chiết khấu cho những người mua đó như một phương pháp để thúc đẩy hành vi mua. Họ đều làm điều này hàng tuần.
Kinh doanh bán lại để mua “thời gian” và “tự do”
Có thời gian linh động là động lực để Lindsay và Ryan nghỉ việc và làm tại nhà. Hàng ngày, hai vợ chồng sẽ thong thả thức dậy, chuẩn bị cho con gái và dắt chó đi dạo. Sau đó mới bắt đầu công việc kinh doanh của mình.
Đến buổi chiều, họ hoàn toàn có thể dành thời gian đi ra ngoài hít thở không khí bất cứ lúc nào họ muốn. Lindsay và chồng thường sẽ kết thúc công việc lúc 4 giờ chiều.
Lời khuyên trước khi bắt đầu công việc “bán lại”
Điều kiện tiên quyết để bán được nhiều đơn là tập trung vào các sản phẩm được đăng trên Poshmark. Các tấm ảnh cần nét, sáng và thu hút. Phần mô tả sản phẩm cần được ghi đầy đủ thông số cũng như có mức giá hợp lý theo giá thị trường.
Đặc biệt, chủ của các cửa hàng trực tuyến cần sử dụng hình ảnh tự sản xuất để tạo dựng lòng tin cho khách hàng. Vợ chồng Lindsay nhận được nhiều đánh giá tích cực cũng nhờ các hình ảnh uy tín, trung thực, cách đóng gói cẩn thận và vận chuyển nhanh chóng.
Poshmark tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho các chủ cửa hàng. Nền tảng thương mại điện tử này cung cấp minh bạch chi phí dịch vụ cũng như đảm bảo quyền lợi cho cả người bán và người mua nếu gói hàng bị mất. Đặc biệt, người mua không thể trả lại hàng nếu phát sinh các vấn đề nằm ngoài quy định của cửa hàng. Điều này tạo điều kiện để mọi người có thể bắt đầu kinh doanh trên nền tảng này với số vốn nhỏ cũng như không lo ngại bị bom.
Tiếp đó là sử dụng công cụ Closet Insights của Poshmark. Công cụ này cung cấp bảng phân tích toàn diện về dữ liệu bán hàng và hàng tồn kho giúp người bán dễ dàng kiểm soát tình hình bán hàng của doanh nghiệp.
Lời khuyên cuối cùng là dù kinh doanh tại nhà nhưng ai cũng cần đóng thể đầy đủ. Thuế tự kinh doanh thường từ 15-20%.
Tham khảo: BI